Về Kim Lan nghe hùng ca của đất

Nếu biết đến nghệ nhân Đào Việt Bình đủ lâu, người ta sẽ không ngạc nhiên khi anh lập 'cú đúp' Guiness với hai tác phẩm thống Hùng ca Điện Biên và đĩa gốm Tích Cửu Long Ngư quần hội.

Nghệ nhân Đào Việt Bình - Chủ tịch Hội gốm sứ xã Kim Lan và chiếc thống gốm Hùng Ca Điện Biên vuốt tay được tạo hình công phu và mất 10 tháng để hoàn thành. (Ảnh: VietKings)

Nếu là người ít quan tâm đến gốm sứ, có lẽ sẽ không biết đến ngôi làng nhỏ chỉ cách Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) một con sông, được giới trong nghề gọi là “cái nôi của gốm” - Làng gốm cổ Kim Lan. Đó cũng là nơi mà lớp lớp nghệ nhân gốm có tiếng hiện nay chào đời và “ngửi mùi đất nung mà lớn lên”, trong đó có Đào Việt Bình.

Tôi về Kim Lan đúng lúc Đào Việt Bình đang cùng các anh em trong xưởng và một số bạn bè thân thiết đóng gói hai tác phẩm vừa đạt kỷ lục Guiness của anh để gửi lên Điện Biên trưng bày. Có được tận mục sở thị mới thấy hết độ hoành tráng, tinh tế và chiều sâu của hai siêu phẩm này: Chiếc thống - được quan niệm là một vật phẩm cầu may - có kích thước cao 1,2m, đường kính 1,6 m, với màu men Lam - dòng men trong, đượm, mang sắc hồn dân tộc, với nét đẹp chuẩn mực và thần thái sang trọng. Còn Tích Cửu long ngư quần hội là chiếc đĩa gốm lớn màu men Hoàng Tộc có đường kính 1,6m, đẹp sang trọng và uy nghiêm.

Đi lên từ con số… 0

Quây quần bên ấm trà với những tích, chén “chuẩn chỉ” của người làm gốm, chúng tôi cùng Đào Việt Bình ôn lại những năm tháng làm nghề đầy gian truân. Câu nói của người đời rằng tiền của đổ xuống sông xuống bể thật đúng với nghệ nhân này.

Anh kể: “Làm gốm bằng lò than có độ rủi ro rất lớn. Bao nhiêu tâm huyết mà đến khi sản phẩm ra lò, thay vì được phân phối ra thị trường lại lặng lẽ đem đổ xuống sông là có thật. Lớn lên bên lò gốm, theo sát đủ các công đoạn sản xuất gốm cùng bố mẹ từ nhỏ, nhưng tôi chính thức làm nghề “toàn thời gian” từ năm 18 tuổi. Sau năm năm bươn chải, tôi mất sạch. Bố mẹ đồng ý cho tôi mảnh đất để bán đi lấy vốn làm lại từ đầu”.

Sau khi có vốn, Đào Việt Bình không lao vào sản xuất ngay. Anh dành thời gian đi các nơi tham khảo kỹ thuật rồi trở về theo học một lớp thiết kế. Thầy của anh là nghệ nhân Mùi bên làng Giang Cao (Bát Tràng). Anh bảo: “Tôi nhận ra rằng, nếu không thể tự mình thiết kế những mẫu mã mới, độc quyền mà chỉ chăm chăm sản xuất theo những mẫu cũ, có sẵn, thì dù có tái khởi nghiệp cũng lại thất bại. Sau khi đã thiết kế nhuần nhuyễn, tôi trở lại làm lò và mọi việc thuận lợi hơn trước rất nhiều. Sản phẩm của tôi làm ra tới đâu, bán hết tới đó. Như thị trường Hàn Quốc, mỗi tháng xưởng xuất đi 10-15 container, với hàng ngàn mã hàng”.

Kể từ năm 2014 đến nay, gốm sứ nội được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước thì các xưởng ở Kim Lan chú trọng hơn trong khai thác thị trường này. Đào Việt Bình chia sẻ: “Thị trường trong nước có tiềm năng rất lớn. Như xưởng của tôi, có 60 công nhân liên tục sản xuất các công đoạn từ nguyên liệu, men màu, vẽ vàng… nên rất chủ động. Sản phẩm làm ra tới đâu, bán hết tới đó”.

Nhớ lại những ngày phá sản, mê nghề, nhớ nghề, cứ đêm hôm, Đào Việt Bình lại lọ mọ chế men, nặn đất trong xưởng. Nhiều lần, 2-3h sáng, không ngủ được, anh lại dậy bắt tay vào thử một công thức nào đó mà mình vừa nghĩ ra. “Có lần, giữa đêm tôi mò ra sau nhà bới trong đống gốm phế liệu để tìm lại mẫu mình từng sáng tác để so sánh, không ngờ bị hàng xóm nhìn thấy, tưởng là trộm nên hô hoán lên khiến cả xóm chạy ra. Tuy là kỷ niệm nhỏ vui vui nhưng lại rất đáng nhớ với tôi vì mảnh gốm đêm đó là tiền đề để tôi làm nên chất liệu men rong cổ rất thành công sau này. Đây là bài men rất ít người làm được. Còn gọi là men rạn đàn – rạn cổ. Từ đó, mình phát triển ra rất nhiều bài men sau này như men rong cổ, men rạn Lý Trần, men Chu Đậu…”, anh nói.

Viết sử trên gốm

Cần mẫn sáng tác và luôn tìm tòi sáng tạo, Đào Việt Bình cứ thế chinh phục từng mục tiêu nhỏ trên con đường làm nghề. Năm nào anh cũng đều đặn có tác phẩm tham dự các triển lãm lớn và các cuộc thi tay nghề và lần nào cũng lại rinh giải. Đến năm 2013 thì anh chính thức được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu nghệ nhân. Anh chia sẻ: “Trong cuộc đời làm gốm thì thăng trầm có nhiều, buồn vui, mất mát nhiều, có lúc gần như đã bỏ nghề. Nhưng đến nay tôi đã có thể sống được với nghề, có thể giúp ích cho gia đình và xã hội”.

Nói về những tác phẩm lớn, mang dáng dấp lịch sử của Đào Việt Bình đều có câu chuyện của riêng nó. Mỗi năm, anh thường cùng các anh chị em trong nghề tổ chức những chuyến đi đến mọi miền Tổ quốc để tri ân những anh hùng dân tộc. Cuối năm 2022, sau khi thăm Điện Biên, anh nảy ra ý tưởng sáng tác một tác phẩm tái hiện phần nào đó về trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào việc.

Nghệ nhân Đào Việt Bình - Chủ tịch Hội gốm sứ xã Kim Lan và nghệ nhân Phùng Văn Hoàn trao đổi kinh nghiệm với những người thợ tại xưởng. (Ảnh: George Newman)

Sau 10 tháng triển khai, tác phẩm hoàn thành, toàn bộ bề mặt không vết nứt hay biến dạng. Màu men Lam là dòng men trong, đượm, mang sắc hồn dân tộc, với nét đẹp chuẩn mực và thần thái sang trọng càng làm tôn thêm vẻ hào hùng của tác phẩm. Anh kể: “Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ và cá nhân tôi thì rất hâm mộ Tướng Giáp. Tôi ấp ủ ý định làm một tác phẩm về vị anh hùng này từ rất lâu, đã thử làm nhiều, nhưng lần này mới thành công. Nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên thì nhận lời mời của Sở Công thương Hà Nội, chúng tôi đã đưa tác phẩm Hùng ca Điện Biên cùng những tác phẩm đoạt giải Guiness lên địa danh lịch sử này để trưng bày”.

“Một tác phẩm nói về lịch sử thì sẽ liên quan rất nhiều vấn đề. Tôi phải dành nhiều thời gian tâm huyết để nghiên cứu các tài liệu lịch sử để miêu tả cho đúng. Sắc thái biểu cảm của từng nhân vật trong tranh để vẽ ra một tác phẩm chân thực. Trong lúc làm, tôi vẫn phải sửa chữa, thay đổi những điều chưa hợp lý. Anh em trong xưởng cùng làm, cùng trao đổi và thỉnh thoảng tôi mời chuyên gia đến để xin góp ý. Cuối cùng mới ra được bản vẽ ưng ý nhất”, anh chia sẻ.

Chiếc đĩa gốm Tích Cửu Long ngư quần hội với hình ảnh chín chú cá rồng tinh tế được Đào Việt Bình sử dụng chất men Hoàng Tộc. Chất men này có sự kết hợp một số thành phần trong Thất Bảo, hòa quyện với nước sông Hồng, khi nung qua lửa tạo ra một dòng men độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh của người Việt.

Nhấp chén trà đượm hương nhài, Đào Việt Bình nhường lời cho các anh em, bạn bè, nghệ nhân chia sẻ về những kế hoạch, dự định còn ngổn ngang phía trước. Nghệ nhân gốm Phùng Văn Hoàn (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu các bạn ở đây đủ lâu, các bạn sẽ cảm nhận được cái tâm với nghề, cái tâm với xã hội của các anh chị em ở đây. Chúng tôi mong muốn phát triển vùng gốm sứ Bát Tràng – Kim Lan – Văn Đức, để thế giới biết đến nhiều hơn. Như khu đất tổ nghề mà thành phố Hà Nội vừa bàn giao cho Kim Lan để xây dựng bảo tàng, nhà trưng bày và kết hợp du lịch trải nghiệm nghề gốm… Tôi đánh giá, đây thực sự là một cơ hội lớn để người làm gốm Kim Lan sống được với nghề, phát triển hơn, vươn xa hơn và thế hệ trẻ ở xã có thêm động lực để tiếp nối làng nghề cho mai sau”.

Câu chuyện về kinh nghiệm của các nước trong khu vực kết hợp phát triển làng nghề và du lịch trải nghiệm, tạo thành vùng nghề rộng lớn… được các nghệ nhân và cả các công nhân gốm trong xưởng bàn luận rôm rả. Trong ánh mắt mọi người không chỉ phản chiếu ánh lửa lò gốm, mà ngọn lửa yêu nghề, mê nghề, muốn giữ nghề cho muôn đời sau cũng đang rực cháy. Tôi thực sự mong những dự định, ước mơ, và hoài bão của người làm gốm Kim Lan nói riêng, cũng những làng nghề gốm trên cả nước sẽ trở thành hiện thực. Tại sao không, khi họ không chỉ có lòng yêu nghề, lòng quyết tâm mà điều quý giá hơn cả là họ đang cần mẫn phát triển một nền tảng nghề từ rất lâu đời. Cái móng đã chắc, cái nhà sẽ bền!

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-kim-lan-nghe-hung-ca-cua-dat-266747.html