Về Hưng Yên trải nghiệm lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024

Để đảm bảo tính kế thừa, phát triển giữa truyền thống và hiện đại, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích Phố Hiến, năm nay UBND thành phố Hưng Yên có kế hoạch tổ chức lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến từ ngày 29/2 - 2/3 (từ ngày 20/1 - 22/1 âm lịch).

Theo UBND thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức nhằm hưởng ứng năm du lịch quốc gia năm 2024, đồng thời tôn vinh, khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Phố Hiến.

Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng kết hợp với những trò chơi dân gian truyền thống.

“Đây cũng là dịp để tuyên truyền và quảng bá rộng rãi hình ảnh, những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tới đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gắn với phát triển du lịch”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn Quốc Hoàn cho biết.

Phong phú phần lễ và phần hội

Năm nay, lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến diễn ra bao gồm phần lễ và phần hội. Theo đó, phần lễ gồm có lễ dâng hương; lễ khai mạc. Phần hội sẽ diễn ra hội múa rồng, múa lân; rước kiệu; cầu kiều trên cạn; kéo co; cờ tướng; cờ người, hội thi chuyền chanh; hội thi nhảy bao bố; bịt mắt đập niêu, thả đèn hoa đăng; chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; hát trên thuyền; múa rối nước; liên hoan đàn và hát dân ca; văn nghệ quần chúng và một số trò chơi dân gian khác…

Theo kế hoạch, khách mời Trung ương dự kiến gồm có đại diện lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan báo, đài truyền hình… Về phía tỉnh gồm các ông, bà Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh…

Buổi khai mạc lễ hội sẽ diễn ra tại khu vực hồ Bán Nguyệt, sân nhà đón tiếp khách Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (số 139 đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên).

Các hoạt động văn hóa cộng đồng được tái hiện tại lễ hội phần nào khắc họa sống động, giúp du khách hình dung về cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền” của Phố Hiến xưa.

Trong các ngày diễn ra lễ hội sẽ có các sản phẩm đặc sản của địa phương được giới thiệu, bày bán tại các gian hàng khu vực trước cửa trụ sở Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.

UBND thành phố Hưng Yên cũng khuyến khích các đơn vị tổ chức hội thi tiếng hót chim chào mào, trưng bày cổ vật, trưng bày sinh vật cảnh; trưng bày ảnh của Hội nhiếp ảnh thành phố bằng nguồn xã hội hóa của các đơn vị.

Những nét độc đáo riêng

Theo các nguồn tài liệu, khu vực phố Hiến xưa nằm trên vùng đất thành phố Hưng Yên ngày nay, vào thế kỷ thứ XVI, XVII là lỵ sở của trấn Sơn Nam, một thương cảng nổi tiếng, từng nổi tiếng với câu ca “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Khi đó, tàu thuyền, thương nhân từ các nước Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tới giao thương, buôn bán và cư ngụ tại đây đã tạo nên không khí náo nhiệt, sầm uất.

Nếu Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) có 36 phố phường thì phố Hiến khi ấy có 23 phố phường và được ví như "Tiểu Tràng An". Cùng với hàng hóa, hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến nơi đây những phong tục tập quán, kiến trúc và bản sắc văn hóa. Khi đó, phố Hiến vừa là điểm hội tụ vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của khu di tích phố Hiến xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Hưng Yên và thành phố Hưng Yên tiếp tục huy động các nguồn vốn thực hiện dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ phố Hiến, gắn với phát triển du lịch…

Trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến nay thành phố Hưng Yên vẫn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có một khu di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh, gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Các di tích, cổ vật phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Điển hình như Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đình - chùa Hiến, đền Trần, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, chùa Nễ Châu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền bà Chúa Kho, Đông Đô Quảng Hội, chùa Phố, Võ Miếu, đền Thiên Hậu, nhà thờ Thiên chúa giáo…

Với quần thể di tích lịch sử văn hóa có mật độ lớn, đa dạng, phố Hiến hình thành hệ thống các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống phong phú. Mỗi lễ hội có nét độc đáo riêng gắn với tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng của địa phương, vừa đa dạng về hình thức song cũng vô cùng đậm đà về bản sắc. Điều này sẽ làm hài lòng du khách khi tới tham quan và thưởng thức…

Phùng Nguyện

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ve-hung-yen-trai-nghiem-le-hoi-van-hoa-dan-gian-pho-hien-nam-2024-post31782.html