Vẻ 'hoang tàn, đổ nát không thể tưởng tượng nổi' của Hãng phim truyện Việt Nam

Đổ nát, hoang tàn và hư hỏng trầm trọng là thực trạng hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, khiến mỗi người dân mỗi khi đi qua đều rùng mình, ngán ngẩm. (CLO) Đổ nát, hoang tàn và hư hỏng trầm trọng là thực trạng hiện tại của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, khiến mỗi người dân mỗi khi đi qua đều rùng mình, ngán ngẩm.

Thật khó thể tin nổi, ở giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội phồn thịnh, tấp nập, lại xuất hiện một nơi hoang tàn, đổ nát như ở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của điện ảnh nước nhà ở hiện tại. Cảnh tượng khiến người dân, du khách mỗi khi đi qua đều cảm thấy ngán ngẩm.

Chia sẻ với báo chí, NSƯT - Họa sĩ Vũ Huy cho biết: "Tôi từng làm Giám đốc Xưởng mỹ thuật của Hãng phim từ năm 1993 - 2015 nên đau xót khi thấy nơi mình từng làm việc bị xuống cấp trầm trọng. Khi bắt đầu cổ phần hóa, ai cũng muốn mọi thứ tốt lên nhưng ngược lại, chúng tôi không được trả lương, không đóng bảo hiểm, gần như bị ném ra đường, mạnh ai nấy sống. Chúng tôi bị đối xử rất tàn nhẫn. Chúng tôi có đấu tranh nhưng mọi thứ vẫn như thế".

Vẻ hoang tàn, xuống cấp trầm trọng của Hãng phim Việt Nam.

"Hãng phim hiện tại không còn gì nữa, chỉ còn khu nhà đổ nát, hoang tàn xuống cấp theo thời gian. Kho phim, máy móc phục vụ làm phim đã hỏng hết, nhân sự tản mát, 7 năm nay không làm bộ phim nào, rất xót xa, tiếc nuối", NSƯT Vũ Huy cho hay.

Theo ghi nhận, khu vực cổng chính của Hàng phim truyện Việt Nam với biển hiệu bị mất chữ, bong tróc. Ít ai nghĩ rằng tại chính nơi đây hơn 1 thập kỷ trước lại chính là cái nôi của Điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, nơi gắn biển số 4 Thụy Khuê hằn vết thời gian, xuống cấp trầm trọng.

Theo người dân nơi đây chia sẻ, hiện tại có nhiều quán ăn, nhà hàng đang thuê đất của Hãng phim để kinh doanh: Phía cổng đường Thụy Khuê có 1 quán phở, phía cổng đường Nguyễn Đình Thi có 1 nhà hàng, 1 quán trà chanh và 1 quán cơm rang đang hoạt động.

Chứng kiến cảnh hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam, nhiều người dân nơi đây mong muốn Hãng phim sẽ được "thay da đổi thịt", được trở lại với thời kỳ hoàng kim như trước kia. Thấy những cơ sở vật chất của Hãng phim ngày càng xuống cấp, hư hỏng, nhiều cán bộ nhân viên và người dân chỉ biết thở dài và mong mỏi điều kỳ diệu sẽ đến.

Một số hình ảnh xuống cấp, hư hỏng của Hãng phim truyện Việt Nam

Khu vực cổng vào của Hãng phim truyện Việt Nam lộ rõ vẻ hoang tàn, xuống cấp rõ rệt khiến ai đi qua đều cảm thấy ngán ngẩm, tiếc nuối.

Khu vực phòng chức năng của Hãng phim truyện Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng.

Xưởng thu thành dựng phim ở hiện tại trở thành kho chứa đồ phế liệu. Thậm chí sảnh trước còn dùng làm nơi để ô tô cho người dân.

Khu vực Thiết kế mỹ thuật xập xệ, tường vữa bị mục nát khiến ai nấy cũng đều cảm thấy ngán ngẩm.

Thực trạng hiện tại Phòng hòa âm của Hãng phim truyện Việt Nam.

Nhà thủy phi cơ nơi Hãng phim truyện Việt Nam mong muốn cải tạo thành nhà truyền thống của hãng, nay xuống cấp nghiêm trọng.

Khu vực Studio của Hãng phim truyện Việt Nam ở hiện tại trở thành bãi đỗ xe công cộng.

Cuối năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần. Tháng 4-2016, theo công bố, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược. Quyết định này ngay sau đó đã tạo nên không ít sóng gió trong nội bộ hãng phim. Suốt một năm trời, liên tiếp xảy ra đụng độ giữa các nghệ sĩ trong hãng phim với VIVASO.

Khu vực cổng bảo vệ của Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, xuống cấp.

Trong nhiều năm nay, hãng phim không được tu sửa và bảo dưỡng, bậc cầu thang dẫn lên tầng hai tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Hãng phim truyện Việt Nam thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim “Chung một dòng sông” ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng. Trong suốt thời kỳ dài sau chiến tranh, nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam cũng đã được hãng phim sản xuất, tiêu biểu như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-hoang-tan-do-nat-khong-the-tuong-tuong-noi-cua-hang-phim-truyen-viet-nam-post240238.html