Về “đất võ” nghe kể “chuyện ngày xưa”

Lâu nay, khi nhắc tới mảnh đất Bình Định tôi thường nghĩ ngay đến vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), người đã đánh thắng giặc Thanh xâm lược. Ở một khía cạnh khác, mảnh đất này lại đầy thi vị với những áng thơ đầy cảm xúc của thi sỹ Hàn Mặc Tử ở Gềnh Ráng, Quy Nhơn... Tuy nhiên, sau những trải nghiệm đầy cảm xúc, tôi chợt thấy nơi đây còn ẩn chứa bề dày lịch sử, văn hóa… nhiều hơn thế.

Khi chuẩn bị hành trang cho chuyến đi thực tế với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trong lòng tôi ngồn ngộn những hình ảnh mường tượng về mảnh đất mình sắp đặt chân: Đó là nơi diễn ra phong trào khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn; với truyền thống “con gái Bình Định đánh roi đi quyền”, gắn với môn phái Bình Định gia nức tiếng. Đó là hình ảnh những buổi chợ ở làng chài với các loại thủy hải sản còn tươi rói được du khách đánh giá “tươi, ngon, rẻ”… Thế nhưng thực tế cho thấy, những gì chúng ta nhìn trên màn ảnh, hay những điều chúng ta nghĩ đến trong tâm trí luôn luôn có sự khác biệt-thậm chí là khác biệt lớn.

Đây là một trong những tháp gạch còn lại đẹp, cao và lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Vân Hà

Bình Định đón đoàn công tác của chúng tôi bằng cái nắng hanh hao cuối mùa khô. Nắng không quá bỏng, không quá rát nhưng cũng đủ khiến mỗi thành viên trong đoàn lấm tấm mồ hôi. Trong hành trình hơn 60 cây số đi qua TP Quy Nhơn đến huyện Tây Sơn, màu xanh mướt của những cánh đồng, những đầm phá cùng khu vườn đước được trồng “chống mặn”… đã mang đến cảm giác mát dịu, xua tan sự nóng bức. Cảnh tượng như từng thước phim về thiên nhiên khoáng đạt cứ hiện lên trước mắt tôi, qua mỗi cung đường: Cánh đồng yên bình với những đàn cò trắng kiếm ăn cạnh đàn trâu, bò đang thong thả, nhởn nhơ gặm cỏ. Xa hơn một chút là những mái nhà thấp thoáng sau lũy tre xanh ngút ngàn, xen kẽ từng dãy núi. Từng gam màu xanh của cây, của núi, của mây trộn lẫn với nhau tạo nên cảm giác dễ chịu vô cùng. Một cảm giác vừa lạ vừa quen, tôi như thấy hình ảnh quê hương mình với những kỷ niệm thân thương thuở ấu thơ đang sống lại…

Khi đến thăm Bảo tàng Quang Trung, mọi thứ bày ra trước mắt tôi thật khác xa tưởng tượng. Điều khiến tôi rưng rưng, xúc động là được đứng trên đúng mảnh đất của “anh em nhà Tây Sơn” (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; 1778-1802). Ngoài những dấu ấn, chứng tích lịch sử được trưng bày trong nhà bảo tàng như: Tờ truyền chiêu mộ nghĩa binh; sổ khai dân đinh… thì những chứng tích lịch sử mang đậm dấu ấn thời gian vẫn còn hiện hữu. Trong khu đất của gia đình anh em họ Nguyễn, nơi các vị tướng đã lớn lên vẫn còn cây đa cổ, giếng nước “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Một không khí linh thiêng, một cảm giác hoài cổ cứ vấn vít trong tôi. Đặc biệt khi hòa cùng màn trống trận, cùng các bài “đi quyền” sống động thì khí thế ra trận của các anh hùng “áo vải cờ đào” như thôi thúc, giục giã trong huyết quản người xem. Từng cung bậc cảm xúc, từng cảm giác, ấn tượng này không dễ gì có được nếu như ta chỉ xem qua sách báo, qua hình ảnh. Sự trải nghiệm thực tế đã mang đến cho tôi nhiều xúc cảm mạnh mẽ với vùng đất có bề dày lịch sử này.

Vẫn chưa hết, mảnh đất này lại khiến tôi thêm ngỡ ngàng khi đứng trước di tích Tháp Dương Long, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn. Đây cũng là công trình mang nhiều dấu ấn lịch sử, gắn với đế chế Chăm Pa. Tháp có niên đại thế kỷ XII-XIII, là cụm tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á hiện còn tồn tại. Giới thiệu về công trình Tháp Chăm, anh Đặng Đa Khoa-một cán bộ còn rất trẻ làm việc tại Ban Quản lý Di tích tỉnh Bình Định cho biết: Đây là công trình kiến trúc còn nguyên vẹn nhất trên dải đất miền Trung hiện nay. Các nhà nghiên cứu gọi Dương Long là hiện tượng kiến trúc đặc biệt nhất trong lịch sử đền và tháp của Chăm Pa. Xét về mặt loại hình thì Dương Long không giống bất cứ một ngôi tháp nào còn tồn tại. Xét về mặt kích thước thì không ngôi tháp nào vượt qua được Dương Long. Tháp Bắc có chiều cao 32m, tháp giữa cao 39m, tháp Nam cao 33m.

Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng vừa lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kì bí, tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp gạch còn lại đẹp, cao và lớn nhất Đông Nam Á, với đặc trưng độc đáo và uy nghi. Tháp được Bộ Văn hóa-thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.

Bằng giọng đặc trưng của người dân Tây Sơn, anh Khoa đã dẫn dắt chúng tôi trở về triều đại của vua Chăm Pa qua những kiến trúc độc đáo của các tòa tháp: Từ viên gạch được làm theo công thức đặc biệt có thể thấm hút nước khiến tường không bị mọc rêu đến các chi tiết, hình thù điêu khắc tinh xảo trên các phiến đá; hay hình Ran Naga, chim thần Garuđa và các hoa văn đặc trưng (ngực phụ nữ, cánh sen…). Và kia-nơi cộng đồng người Chăm hành lễ để cầu sự sinh sôi nảy nở, sung túc là một bệ cao đặt ngoài trời với biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Khi hành lễ, chỉ giáo sỹ và thầy tu mới được vào. Họ rót nước từ trên liga (sinh thực khí nam) xuống yoni (sinh thực khí nữ) và ban phát nước đó cho thần dân… Từng lời nói đó tái hiện một cách đầy sống động về cuộc sống, sinh hoạt của người Chăm Pa. Đứng giữa không gian chứa đựng bề dày lịch sử đầy bí ẩn, kỳ diệu ấy, trong tôi dâng lên sự xúc động, bâng khuâng và hoài niệm về một thời đã thành quá vãng...

Sau quãng thời gian được “chạm tay” vào quá khứ, được xuyên không gian và thời gian để cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa tôi đã thấy yêu mảnh đất này. Với tôi, sự trải nghiệm sẽ giúp ta đong đầy thêm cảm xúc, kỷ niệm, tình yêu cuộc sống để thêm trân quý mỗi phút giây được sống trong cuộc đời này.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/ve-dat-vo-nghe-ke-chuyen-ngay-xua-119802