Về đất Tổ nghe Xoan làng cổ

Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật hát Xoan (tỉnh Phú Thọ) vẫn trường tồn với thời gian, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hát Xoan làng cổ trở thành một dấu ấn riêng biệt để du khách thập phương lại có thêm lý do tìm về nơi miền quê đất Tổ.

Biểu diễn hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn - nơi phát tích hát Xoan Phú Thọ.

Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ phong tục gắn với lễ hội mùa xuân, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, cầu mong mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt.

Nghệ nhân Lê Thị Huệ biểu diễn hát xoan tại Miếu Lãi Lèn (Phù Đức).

Trong hát Xoan, nghệ thuật hát, múa luôn đan xen và kết hợp hài hòa giữa với việc sử dụng các nhạc cụ đơn giản gồm một chiếc trống nhỏ giữ dịp, một vài tiết mục sử dụng cặp phách. Từ tiếng trống, lời ca, đến các cử động tay múa, chân đưa của các nghệ nhân, đào-kép Xoan đều khiến du khách chìm đắm trong không gian văn hóa linh thiêng của nơi đây.

Biểu diễn hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn (Phù Đức).

Các nghệ nhân biểu diễn các động tác múa

Đó là sự uyển chuyển, có sự kết hợp khéo léo với điệu trống.

Trống giữ nhịp cho điệu múa

Mỗi phường Xoan là một tổ chức chặt chẽ, đứng đầu là trùm phường Xoan có vai trò quản lý, tổ chức các hoạt động truyền dạy và biểu diễn của phường. Trong đó kép nam giữ vai trò hát dẫn cách, đệm trống giữ nhịp và tham gia một số tiết mục, các đào nữ giữ đội hình múa chú đạo, hát láy, hát đối đáp. Khi hát các kép thường mặc áo the, khăn xếp, các đào mặc áo tứ thân.

Trang phục của các đào Xoan là áo tứ thân và đầu đội khăn mỏ quạ.

Điệu múa uyển chuyển của các đào nữ trong hát Xoan.

Hát Xoan hội tụ đầy đủ các yếu tố của hình thức âm nhạc dân gian, kết hợp yếu tố văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc. Mỗi cuộc hát Xoan thường được trình diễn theo 3 chặng: Hát nghi lễ mở đầu, trình diễn quả cách và trình diễn các bài hát mang tính chất trữ tình, giao duyên.

Kép nam đệm trống cùng các đào nữ biểu diễn hát Xoan.

Hát Xoan thu hút du khách về thưởng thức.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái gắn với các di tích lịch sử văn hóa, các ngôi đình cổ và nơi phát tích của Hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô.

Các nghệ nhân phường Xoan Phù Đức (Việt Trì, Phú Thọ).

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour, tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về với mảnh đất Vua Hùng. Sau hơn 10 năm tồn tại, đến nay chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo, lôi cuốn du khách trong và ngoài nước mỗi khi về với Phú Thọ.

Nghệ nhân Lê Thị Huệ (sinh năm 1940) là một trong những “báu vật nhân văn sống” trong nghệ thuật hát Xoan chia sẻ: “Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng mỗi khi đón đoàn du khách về xem biểu diễn hát Xoan tôi đều phấn khởi, biểu diễn hết mình vì nét đẹp văn hóa được lan tỏa rộng rãi đến nhiều người, tôi càng có động lực hơn để gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát Xoan Phú Thọ”.

Du khách tham gia biểu diễn cùng phường Xoan Phù Đức tại Miếu Lãi Lèn.

Tỉnh Phú Thọ luôn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn di sản hát Xoan gắn với phát triển du lịch, tận dụng giá trị của di sản này thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng. Qua quá trình này, Hát Xoan làng cổ trở thành một nguồn tài nguyên quý báu và là điểm đến du lịch độc đáo, mang đậm giá trị hồn cốt của mảnh đất Tổ Hùng Vương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Phương Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-dat-to-nghe-xoan-lang-co-post291876.html