VĐV Wushu Thúy Vi: "Tôi tặng cho... tôi"

“Đầu tiên, tôi dành tặng cho tôi. Tôi đã nỗ lực bao nhiêu…” - khi giành tấm HCV đầu tiên cho Đoàn TTVN ở SEA Games 29, VĐV Wushu Thúy Vi đã rất thoải mái phát biểu như thế. Tặng cho chính mình và thi đấu với tâm lý “tôi là nhà vô địch”, đó cũng chính là điều khác biệt và thậm chí có thể coi là đặc biệt, với TTVN bây giờ…

Thúy Vi tặng tấm HCV đầu tiên của Đoàn TTVN ở SEA Games 29 cho chính mình. Ảnh: D.P

Từ sự đặc biệt của “lần đầu tiên”

Khi kết quả bốc thăm môn bóng đá nam SEA Games 29 được công bố, không chỉ thầy trò HLV Hữu Thắng, các quan chức VFF mừng mà cả lãnh đạo Đoàn TTVN cùng nhiều thành viên khác cũng vui mừng theo.

Để hiểu về cái sự “mừng ra mặt” đó, cần phải so sánh thế này: Maylaysia với quyền của chủ nhà đã xếp lịch theo cách có lợi nhất cho họ để cạnh tranh, đưa các đối thủ mạnh hơn vào thế đấu với nhau trước. Với futsal nam và nữ, chỉ có 5 đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm, hai ứng viên Việt Nam và Thái Lan gặp nhau ngay trận ra quân. Còn với bóng đá nữ, sau trận khai mạc kiểu “nháp” với “ngựa ô” Philippines, thầy trò HLV Mai Đức Chung gặp Myanmar rồi sau đó Thái Lan, cuối cùng mới gặp chủ nhà Malaysia. Cần nhắc lại, bóng nữ Đông Nam Á bao năm qua chỉ có ba đội cạnh tranh chức vô địch là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar.

Các môn bóng đá luôn thi đấu trước ở SEA Games và bóng đá nam bao giờ cũng đi tiên phong. Thế nên nghiễm nhiên U.22 Việt Nam nhận trọng trách và được xem là “may”, khi lịch thi đấu lần lượt gặp các đối thủ từ yếu nhất đến yếu, bắt đầu là Timor Leste, Campuchia đến Philippines rồi cuối cùng là các đội mạnh - Indonesia và Thái Lan. Thầy trò HLV Hữu Thắng chắc chắn sẽ có chiến thắng để hoàn thành nhiệm vụ “đầu xuôi…” với tư cách đội tiên phong. U.22 Việt Nam làm được, làm tốt với chiến thắng 4-0 đúng như mong đợi.

Thế nhưng phải chờ đến 4 ngày sau, Đoàn TTVN sau rất nhiều chờ đợi mới có tấm HCV đầu tiên. Bắn cung “mở hàng” và theo dự kiến sẽ có từ 1-2 HCV, với Lộc Thị Đào (cung 1 dây nữ) và Tiến Cương (cung 3 dây nam) nhưng thất bại khi chỉ có 2 HCB, 1 HCĐ, dù cả 3 tấm huy chương không phải vàng của bắn cung đều được xem là “chiến thắng”, khi các VĐV thi đấu rất tốt và chỉ thua ở khoảnh khắc quyết định. Rồi marathon sau đó cũng thất bại. Thế nên khi Thúy Vi của Wushu giành tấm HCV đầu tiên, nó thực sự giá trị với ý nghĩa “giải cơn khát”, ở thời điểm Đoàn TTVN là 1 trong 5 quốc gia chưa có HCV nào.

Không phải lần đầu tiên mà là lần thứ ba, sau tấm HCV “mở hàng” ở SEA Games 2013 rồi ASIAD 2014 - tấm HCV duy nhất của TTVN ở kỳ đại hội tầm châu lục này, Thúy Vi lãnh trọng trách và thành công. Đó là lý do tấm HCV này được coi trọng về mặt giá trị. Và vì thế, “cô gái vàng” có quyền khác biệt đến đặc biệt, ngay từ phát biểu trước câu hỏi “dành tặng HCV cho ai?”.

“Tôi dành tặng cho tôi. Tôi đã nỗ lực bao nhiêu…” - Thúy Vi thoải mái sau tấm HCV đầu tiên, khác với nhiều VĐV khác vẫn hay nói theo “công thức” khi đứng trên bục vinh quang...

Đến cái tôi và sứ mệnh của ngôi sao

U.22 Việt Nam toàn thắng cả 3 trận ra quân, mỗi trận ghi 4 bàn thắng và cả 3 trận thắng đó, ngôi sao được chờ đợi nhất là Công Phượng đều để lại dấu ấn.

Nếu như trận đầu tiên thắng Timor Leste, Phượng tự giải tỏa cho bản thân mình với bàn thắng ấn định chiến thắng 4-0 thì trận gặp Campuchia, sau rất nhiều cơ hội bị ném đi của các cầu thủ trên hàng công, đúng phút bù giờ tiền đạo này “nổ súng” để trút đi cả tấn gánh nặng cho U.22 Việt Nam.

Bàn thắng đó giúp thầy trò HLV Hữu Thắng có được lợi thế tinh thần rất lớn khi bước vào giờ nghỉ giữa hai hiệp, có thể chơi với vị thế khác trong hiệp 2 rồi kết thúc trận đấu với 3 bàn thắng dễ dàng nữa, trong đó chính Phượng một lần nữa lập công với pha sút phạt chuẩn xác.

Đến trận đấu với Philippines, sau hiệp đầu nhọc nhằn khi gặp sự phản kháng mãnh liệt từ đối thủ, cánh cửa chiến thắng đã mở toang sau pha độc diễn của Công Phượng. Một bàn thắng đúng theo phong cách của một ngôi sao. Và nó là “tác phẩm” của nỗ lực cá nhân, khi chân sút này nhảy múa giữa 3-4 hậu vệ đối phương trong vòng cấm rồi sút tung lưới mở tỉ số.

Ghi 3 bàn, có 1 đường chuyền thành bàn sau hai trận nhưng Công Phượng vẫn đứng giữa lằn ranh giới khen chê do cách chơi có phần cá nhân, thậm chí là ích kỷ. Thế nhưng giống như rất nhiều trận đấu trước đó, khi đội bóng gặp khó và ở thời khắc cần một cá nhân lên tiếng, không phải ai khác mà chính là Công Phượng tạo ra sự khác biệt, từ một pha xử lý mang đậm dấu ấn cá nhân.

Khi nói về U.22 Việt Nam và SEA Games 29, Quả bóng Vàng Việt Nam Phạm Thành Lương từng nhận định: “Không có Công Phượng với sự đột biến như một thứ vũ khí, chúng ta sẽ rất phiền”.

Cầu thủ từng hai lần thất bại với U.23 Việt Nam trong nhiệm vụ chinh phục tấm HCV SEA Games tin rằng, thầy trò HLV Hữu Thắng cần chấp nhận tính hai mặt trong cách chơi của cá nhân Công Phượng. Bởi U.22 Việt Nam cần nhất một cầu thủ có thể tạo ra cảm hứng như thế, dù có ích kỷ, cá nhân và nhiều khi bất hợp lý.

TRIẾT LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/vdv-wushu-thuy-vi-toi-tang-cho-toi-550616.ldo