Vay tiền trả góp qua VPB FC: Cẩn thận kẻo 'dính bẫy'!

Khách hàng thiếu trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, trong khi các công ty tài chính lại nhuần nhuyễn trong “thuyết phân tán” với nguồn vay nhỏ, khách hàng nhỏ để hoạt động; các cơ sở về chế tài quản lý cho vay tiêu dùng từ dịch vụ tài chính lại khá “thông thoáng” là những căn nguyên khiến người tiêu dùng “dính bẫy”.

>> Vay tiền trả góp: "Ăn quả đắng” từ dịch vụ “mập mờ” ngân hàng

Hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính lâu nay được thực hiện khá “mở”. Hiện nay, cơ chế cho vay được Ngân hàng Nhà nước cụ thể bằng Thông tư 39/2016/TT-NHNN và Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 30/12/2016. Trong đó, lãi suất vay tại công ty tài chính quy định tiền lãi chậm trả (không vượt quá 10%/năm tính trên số dư nợ lãi chậm trả tương ứng với thời gian); lãi quá hạn (không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn thời điểm chuyển nợ quá hạn).

Chỉ chừng này thông tin, khách hàng có thể rút ngay tiền mặt để rồi rơi vào "bẫy" cho vay trả góp lúc nào không hay!

Song, hoạt động cho vay của công ty tài chính vẫn dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa công ty và khách hàng, phù hợp với các quy định pháp luật. Theo đó, khách hàng phải hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với công ty tài chính. Lãi suất theo thỏa thuận và mức lãi suất tính theo tỷ lệ %/năm dựa trên số dư nợ và thời gian dư nợ. Nguyên tắc này có thể điều chỉnh và thay đổi; lãi suất tính cả với nợ quá hạn, chậm trả nợ và các loại phí áp dụng với khoản vay.

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Hà Tĩnh thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoặc công ty tài chính có chi nhánh đóng trên địa bàn. Trong trường hợp chủ thể giải ngân không nằm trên địa bàn thì chi nhánh rất khó để kiểm soát. Trừ khi có đơn thư khiếu nại của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh mới có thể vào cuộc theo cách giải quyết đơn thư. Đối với vay trả góp ngoài ngân hàng, hơn ai hết, người dân phải tính toán, nghiên cứu kỹ, yêu cầu phía cho vay phải công khai minh bạch các thủ tục liên quan để có sự lựa chọn cũng như tính toán khả năng trả nợ của mình”.

Thực tế, đối tượng khách hàng mà các dịch vụ này hướng tới là người kiến thức hiểu biết có hạn (sinh viên, người lao động, người thu nhập thấp). Trong khi đó, thủ tục vay vốn không cần phải thế chấp tài sản nên tâm lý dễ dãi, không tìm hiểu kỹ, đến lúc hiểu ra muốn chấm dứt hợp đồng thì bị phạt nên đành cắn răng chịu.

Một lãnh đạo của chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Tĩnh cho hay: “Mức lãi suất trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại cổ phần hiện dao động từ 10-11%/năm. Nếu tính như mức lãi suất của VPB FC đang áp dụng với khách hàng T. thì quá cao. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần phải có quy định cho vốn vay tiêu dùng qua các công ty tài chính thể hiện rõ các mức lãi suất trên hợp đồng tín dụng, giống như Bộ Công thương quy định bán hàng phải niêm yết giá, nhằm tránh tình trạng khách hàng bị lập lờ đánh lận mà không hay biết”.

Thẻ khách hàng của N.D.T.T và phiếu nộp tiền tại Thế giới di động

Ông Nguyễn Phi Việt - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh, cho rằng, người tiêu dùng có các quyền và nghĩa vụ được quy định rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin đối với các sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cũng được quy định phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Phía cho vay phải công khai, minh bạch về lãi, gốc cụ thể chứ không được mập mờ dẫn đến người tiêu dùng phải chịu lãi suất cao mà không hay biết. Người tiêu dùng cần biết quyền lợi của mình, nghiên cứu kỹ hợp đồng và so sánh, cân nhắc kỹ trước khi quyết định vay vốn. Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo người dân hãy cẩn thận với vay trả góp, vay và cho vay ở tiệm cầm đồ, tín dụng đen ngoài hệ thống ngân hàng vì dễ xảy ra rủi ro khó lường trước, gây thiệt hại cả về kinh tế lẫn tinh thần”.

Dù ở Hà Tĩnh chưa có một tổ chức nào hoạt động dưới hình thức công ty tài chính cho vay tín chấp tiêu dùng nhưng không ít người dân lại bị rơi vào “bẫy” trả góp lãi cao. Thiếu hiểu biết là một phần, khi họ muốn cầu cứu, khiếu nại quyền lợi của mình cũng chẳng biết kêu ai. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, nhằm tạo môi trường hoạt động tài chính minh bạch cũng như để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Một cựu nhân viên VPB FC: Trước đây làm bên Công ty tài chính VPB FC, tôi cảm nhận có gì đó thiếu minh bạch, nhất là lãi suất. Hợp đồng cũng không tách bạch rõ ràng mà kiêm một loạt “nhiều trong một” như: Đơn đề nghị vay vốn, Phụ lục đề nghị vay vốn kiêm Hợp đồng tín dụng với nội dung 3-4 trang giấy chi chít, khiến khách hàng hoa cả mắt. Đặc biệt, công ty đưa cho khách hàng một danh sách tiền trả nợ cả gốc và lãi chung chung nên họ không biết là lãi bao nhiêu, gốc bao nhiêu. Thậm chí, đã có nhiều người trách móc, cho rằng, mình đi lừa đảo họ nên tôi đành bỏ cuộc”.

Chị Nguyễn Thị Hương, huyện Hương Sơn: Tôi có con gái vừa đi làm, đang định mua cho con chiếc xe máy Honda Lead, tầm 40 triệu đồng theo hình thức vay trả góp. Thế nhưng, qua tìm hiểu, thấy dịch vụ này không minh bạch về lãi suất nên có lẽ tôi sẽ mua chiếc xe vừa tiền hoặc là vay tạm tiền mua xe Lead, sau đó, cắm xe qua ngân hàng lấy tiền trả, chứ chả dại gì mua trả góp rồi mua xe Lead mà trả tiền thành xe SH. Quê tôi nhiều người vay mua xe máy, máy tính trả góp cho con, nhưng hỏi lãi suất bao nhiêu cũng chẳng ai biết cả, chỉ nghe nói cao hơn ngân hàng nhiều lắm”.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/vay-tien-tra-gop-qua-vpb-fc-can-than-keo-dinh-bay/130893.htm