Vật chứng cực hiếm về đời sống ở Hà Nội thế kỷ 8-9

Đây là những vật chứng vô cùng quý giá của một thời kỳ lịch sử xa xôi của Thủ đô Hà Nội mà không phải ai cũng tường tận...

Trước khi kinh đô Thăng Long thành lập năm 1010, miền đất mà ngày nay là Thủ đô Hà Nội đã được biết đến trong sử sách với tên gọi là thành Đại La. Ảnh: Đầu tượng linh thú trang trí kiến trúc thời Đại La, khoảng thế kỷ 8-9, hiện vật của Hoàng thành Thăng Long.

Để biết về lịch sử hình thành của thành Đại La, cần nhìn về thế kỷ 5, khi chế độ phong kiến phương Bắc lập một huyện mới trên vùng đất trung tâm Hà Nội cổ. Đó là huyện Tống Bình. Ảnh: Ngói ống lợp góc mái, đầu trang trí linh thú, thời Đại La.

Năm 679, nhà Đường lập An Nam Đô hộ phủ gồm 12 châu, 59 huyện, bao gồm vùng Bắc Bộ đến đèo Ngang (Hà Tĩnh). Từ đó đến thế kỷ 10, Tống Bình mà trung tâm là vùng Hà Nội ngày nay trở thành trị sở của nhà Đường. Ảnh: Ngói âm dương lợp diềm mái, thời Đại La.

Nửa sau thế kỷ 9, tiết độ sứ Cao Biền đắp An Nam La Thành (thành Đại La). Thành Đại La do Cao Biền xây đắp có quy mô lớn nhất từ trước đến thời bấy giờ trên đất cổ Hà Nội. Ảnh: Một mảnh ngói lợp mái thời Đại La.

Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên thành Thăng Long. Trong chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết: "... thành Đại La, kinh đô của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi...". Ảnh: Gạch vuông có hình cá sấu bơi trong sóng nước thời Đại La.

"...Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi...". Ảnh: Gạch chữ nhật in chữ "Giang Tây quân", thời Đại La.

"...Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời...". Ảnh: Các loại đầu ngói ống trang trí hoa văn đa dạng, thời Đại La.

Tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc gỗ, cùng đồ dùng sinh hoạt của thời Đại La, niên đại khoảng thế kỷ 8-9, đầu thế kỷ 10. Ảnh: Ngói chữ nhật trang trí mặt linh thú thời Đại La.

Đây là những vật chứng vô cùng quý giá của một thời kỳ lịch sử xa xôi của Thủ đô Hà Nội mà không phải ai cũng tường tận... Ảnh: Tượng mặt người trang trí kiến trúc thời Đại La.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vat-chung-cuc-hiem-ve-doi-song-o-ha-noi-the-ky-8-9-1953118.html