Vang mãi khúc khải hoàn ca

THS.NGUYỄN VÂN HÂỤNăm nay, Nhân dân cả nước tưng bừng chào đón những ngày Hội lớn của non sông, kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương (mùng Mười tháng Ba âm lịch); kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023); kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5); kỷ niệm 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biện Phủ (7.5.1954 - 7.5.2023) trong không khí sôi động và lạc quan khi kinh tế - xã hội đất nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, hun đúc thêm niềm tin của Nhân dân vào tương lai của đất nước. Tháng Tư, tháng Năm lịch sử còn âm vang mãi khúc khải hoàn ca!

Biểu tượng linh thiêng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Ngược dòng lịch sử, từ thuở các Vua Hùng dựng nước, trên con đường lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, các thế hệ con cháu Lạc Hồng đã luôn nêu cao truyền thống nhân nghĩa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ, xây đắp, làm rạng danh giang san gấm vóc.

Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh 2023. Ảnh: Cao Minh

"Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn".

Câu ca dao ấy từ ngàn xưa truyền từ đời này sang đời khác, ngọt ngào qua lời ru của mẹ, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam, linh thiêng trong tâm thức mỗi người dân Việt, dù miền ngược hay miền xuôi, dù ở nơi đâu trên trái đất này đều cùng hướng về Ðất Tổ - nơi hội tụ khí thiêng sông núi, theo truyền thuyết, mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm người con cùng một bọc, nơi hình thành quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Ngày Quốc giỗ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Ngày giỗ Tổ diễn ra vào mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm tại Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Trước đó, nhiều hoạt động Lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức cho đến ngày chính lễ là Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Nhớ về nguồn cội, chúng ta có quyền tự hào về văn hóa và lịch sử dựng nước, giữ nước đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam - dân tộc duy nhất trên thế giới có ngày Quốc giỗ - thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc - là biểu tượng linh thiêng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc độc đáo của văn hóa Việt, di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.

Kế tục từ cội nguồn thiêng liêng ấy, sau Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18.2.1946 quy định những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử, trong đó có ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm. Cũng trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, toàn dân đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”

Sau khi giành được độc lập, Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách; chẳng những phải giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đế quốc phong kiến để lại, mà còn phải đối phó ngay với nạn ngoại xâm.

Trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu chủ trương thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó, có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và soạn thảo Hiến pháp dân chủ, xây dựng một nhà nước kiểu mới, mà ở đó, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Tiếp đó, Sắc lệnh số 63-SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh số 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ, thành phố, thị xã được ban hành, xác lập cơ quan “HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân. Ủy ban hành chính do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ.”.

Để bảo vệ nền độc lập và thành quả cách mạng dân chủ vừa giành được đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thực dân Pháp dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa; ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Trong đó, Người nhấn mạnh: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là lời hịch non sông, thổi bùng ngọn lửa tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng bất khuất của con cháu Lạc Hồng, “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; Nhân dân ta đã giành thắng lợi sau 9 năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ mà đỉnh cao là chiến thắng Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ngày 7.5.1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đám phán ở Hội nghị Genève và ký Hiệp định Genève ngày 20.7.1954, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi một số nước tham dự đặt bút ký Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Genève thì đại diện Chính phủ Mỹ không ký. Họ ngang nhiên không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam Việt Nam để thay thế thực dân Pháp, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.

Một lần nữa, dân tộc Việt Nam vốn khát vọng hòa bình, thống nhất, vừa trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lại phải cầm súng đứng lên, tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Một lần nữa, lời Bác Hồ năm xưa vọng về từ Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, với tinh thần: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”,“Không có gì quý hơn độc lập tự do”;cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách, cam go để đi đến đích cuối cùng bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh với chiến thắng lịch sử ngày 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta.

Chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, khát vọng hòa bình

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, khát vọng hòa bình, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ và hội nhập quốc tế.

Thể theo ý nguyện của toàn dân, sau khi Nam Bắc sum họp một nhà, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã được tổ chức thành công ngày 25.4.1976, bầu ra Quốc hội Khóa VI - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam - chính thức thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trên toàn quốc. Quốc hội đã quyết định tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất, thông qua Hiến pháp và những vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển, hội nhập của quốc gia, dân tộc.

Đối với chính quyền địa phương, để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, theo Quyết định số 71-CP ngày 14.3.1977 của Hội đồng Chính phủ, từ ngày 15.5.1977 đến 30.6.1977, cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tiến hành thành công trong cả nước, bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước ở các địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương.

Tháng Tư, tháng Năm lịch sử còn âm vang mãi khúc khải hoàn ca! Chúng ta càng tự hào về cội nguồn, về văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, phát triển nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, càng thêm vững tin, động lực trên con đường phía trước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/vang-mai-khuc-khai-hoan-ca-i326097/