Vấn nạn lao động sang Hàn bỏ trốn: Vì sao vẫn dai dẳng?

Nhiều năm qua, tình trạng lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc sau đó bỏ trốn đã trở thành vấn nạn. Đến nay tỉ lệ lao động bỏ trốn vẫn ở mức cao, khiến hình ảnh lao động Việt trở nên xấu xí trong mắt doanh nghiệp nước bạn.

Hàn Quốc vừa thông báo tiếp tục dừng tuyển lao động đi làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) tại 8 thành phố, huyện, thị xã ở Việt Nam có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao, gồm: TP Chí Linh (Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Nhiều lao động Việt vẫn bỏ trốn lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng (Ảnh: CL).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nguyên nhân khiến các huyện, thị xã này bị tạm dừng là thời gian qua, các địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn, từ 70 người trở lên. Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Trong số các địa phương bị “cấm cửa’’, Nghệ An nổi lên là tỉnh “quen mặt”, nằm trong danh sách “đen” của Hàn Quốc. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh này, năm 2018 - 2019, bình quân 100 lao động của Nghệ An sang Hàn Quốc, có đến 57 người bỏ trốn sau khi kết thúc hợp đồng. Thực tế này khiến Hàn Quốc đưa 18/21 huyện, thị xã của Nghệ An vào diện xem xét và sau đó thông báo dừng tiếp nhận lao động của 11/21 huyện, thị xã.

Tháng 3/2023, Nghệ An chỉ còn 3 huyện, thị xã bị Hàn Quốc cấm tuyển lao động nhưng thống kê cho thấy số lượng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp của tỉnh này vẫn lên tới 1.770 lao động. Trong số đó, tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của huyện Hưng Nguyên là 46,5%, huyện Nghi Lộc hơn 29% và thị xã Cửa Lò 29% tổng số lao động xuất khẩu của mỗi huyện.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐ- TB&XH Nghệ An, cho biết, đây mới chỉ là con số thống kê đối với lao động theo chương trình EPS. Còn thực tế, số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ngoài chương trình bằng hình thức du lịch, du học…của Nghệ An còn lớn hơn nhiều.

Theo ông Hùng, sau khi chương trình EPS bị tạm dừng, tỉ lệ người đi du học Hàn Quốc của Nghệ An tăng vọt nhưng thực tế, số này sang một thời gian thì cũng bỏ trốn ra ngoài làm việc. “Mục tiêu ban đầu của họ không phải sang để học mà chủ yếu là lao động. Thông tin chúng tôi khảo sát tại những gia đình có con em đi Hàn Quốc, cứ 10 người, có 8 người bỏ trốn ra ngoài”, ông Hùng cho hay.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho rằng, ngoài thu nhập hấp dẫn, công tác phối hợp quản lý người lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc còn chưa chặt chẽ. Trung tâm lao động ngoài nước còn chưa quan tâm sát đến nhu cầu của người lao động khi có những vụ việc phát sinh. “Việc tìm kiếm việc làm phù hợp với người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước còn gặp nhiều khó khăn. Lao động đang kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhưng khi trở về họ có nguy cơ thất nghiệp hoặc không tìm được công việc có thu nhập tương xứng khiến họ bất chấp các quy định, tìm mọi cách ở lại”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa chia sẻ.

Xử nghiêm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, so với các nước khác, tỉ lệ người lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng cao hơn nhiều. Những lao động này đa phần vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ đang làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa hai nước. Theo ông Liêm, thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động theo EPS đến nay vẫn còn hiệu lực. Việc tạm dừng tiếp nhận lao động hiện chỉ là diễn ra ở đợt 1 năm 2023, sau đó 2 nước sẽ ký lại thỏa thuận mới.

“Trong quá trình ký lại, hai bên sẽ trao đổi có nên tiếp tục tạm dừng tiếp nhận lao động ở các địa phương hay không. Trong quá trình thực hiện lệnh cấm, những năm qua, không ít người lao động cư trú tại địa bàn bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc đã lách luật bằng cách đăng ký thường trú tại một số huyện khác. Việc này còn gây bất công với những lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc và chấp hành tốt quy định”, ông Liêm nói.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, sắp tới thay vì cấm tuyển lao động ở đầu vào, cơ quan hai nước hướng đến việc xử lý nghiêm những trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-nan-lao-dong-sang-han-bo-tron-vi-sao-van-dai-dang-post1524016.tpo