Vẫn không giải quyết đơn tố cáo nặc danh?

Có nên xem xét, giải quyết đối với loại tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo hay không là nội dung gây nhiều tranh luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự luật Tố cáo sáng 15-9.

Theo tờ trình của Chính phủ, hiện có hai loại ý kiến về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất đề xuất chỉ xem xét, giải quyết nội dung các tố cáo trong trường hợp người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình. Ngược lại, ý kiến khác cho rằng dự luật cần quy định đối với tố cáo nặc danh nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, khi thẩm tra dự án luật này, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại dự thảo: “người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ…”. Những người theo quan điểm này dẫn thực tế thời gian qua, số lượng các tố cáo nặc danh thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm hoặc sắp xếp nhân sự. Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. “Nếu thừa nhận loại tố cáo này thì vô hình trung sẽ khuyến khích tố cáo nặc danh, mạo danh” - ông Thuận nói. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại đề xuất dự thảo nên có một điều quy định trong trường hợp nào được tố cáo nặc danh vì thực tế có nhiều đơn tố cáo tuy không xưng danh nhưng rõ nội dung, có cơ sở để xác minh việc tố cáo là đúng sự thực. Tuy nhiên, nếu khẳng định trong dự luật nguyên tắc cơ quan chức năng sẽ chỉ xem xét, giải quyết đối với tố cáo “có danh” thì vấn đề làm thế nào để bảo vệ người tố cáo càng trở nên bức xúc. Thế nhưng theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, dù dành hẳn một chương (với bốn điều) quy định về vấn đề này song các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự luật lại chỉ “mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian bảo vệ người tố cáo để thực hiện trên thực tiễn”. “Quy định quá chung chung. Người dân đọc thấy thế này thì chắc cũng không dám đi tố cáo nữa” - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói. ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010091511560593p0c1013/van-khong-giai-quyet-don-to-cao-nac-danh.htm