Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Khai mạc tuần lễ thơ thiền Việt Nam tại Huế

Tuần lễ thơ thiền Việt Nam vừa khai mạc sáng 25/3 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, mở đầu bằng triển lãm thơ thiền.

Triển lãm thơ thiền tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

Sự kiện do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và nhóm nghiên cứu văn hóa Tâm Việt phối hợp tổ chức.

Triển lãm giới thiệu những bài thơ thiền tiêu biểu của các thời kỳ Lý - Trần và Lê - Nguyễn qua bộ sách độc bản trên giấy dó khổ lớn, qua các ảnh bản và nghệ thuật tranh Trúc Chỉ. Bên cạnh những bài Thi Kệ tiêu biểu của các vị thiền sư Việt Nam, triển lãm còn giới thiệu một số bài thơ mang đậm chất thiền và cảm quan Phật giáo của các bậc quân vương, đại thần và thi nhân Việt Nam qua các thế hệ.

Đây là những bài thơ được tuyển chọn từ hai tuyển tập: “Thơ Thiền Lý - Trần” tam ngữ (Hán - Việt - Anh) do nhà thơ Nguyễn Duy hợp tác với hai nhà thơ Mỹ là Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen biên soạn, biên dịch và tuyển tập “Thơ Thiền Lê - Nguyễn” tam ngữ (Hán - Việt - Anh) do nhà thơ Nguyễn Duy hợp tác với hai nhà thơ Mỹ là Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill biên soạn, biên dịch.

Nhà thơ Nguyễn Duy, trưởng nhóm nghiên cứu văn hóa Tâm Việt giới thiệu tuyển tập thơ thiền

Diễn ra từ ngày 25 đến 31/3, ngoài triển lãm trên, tuần lễ thơ thiền còn có các hoạt động chính: Tọa đàm về thơ thiền Việt Nam; chương trình nghệ thuật diễn xướng thơ thiền với chủ đề “Thiền thi mấy đóa” tại nhà hát Duyệt Thị Đường; triển lãm thơ thiền Việt Nam qua thư pháp chữ Hán tại vườn Thiệu Phương – Đại Nội.

Phát biểu khai mạc, hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng Ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: “Nói đến thơ thiền, người ta thường liên tưởng ngay đến giai đoạn hoàng kim của nó trong văn học Lý – Trần, hoặc giai đoạn quảng diễn dưới thời Lê – Nguyễn. Tuy nhiên, sức sống của loại hình văn học này vẫn tràn trề sinh lực cho đến tận hôm nay. Thơ thiền chính là tinh túy của dòng văn học thiền môn, là hạt châu của nền văn học Trung đại. Nội dung và nghệ thuật thơ thiền không chỉ là chiếc chìa khóa giúp người đọc khai phóng tâm thức, bừng ngộ về triết lý nhân sinh, mà qua đó còn giúp chúng ta thấy rõ bóng hình của bao thế hệ con người, của quê hương, đất nước qua mỗi bước trở mình của lịch sử dân tộc”.

Tin, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khai-mac-tuan-le-tho-thien-viet-nam-tai-hue-a125371.html