Bài thơ 'Thời lá đỏ' vào đề khảo sát môn Ngữ văn tỉnh Quảng Ninh

Ngữ liệu phần đọc hiểu đề khảo sát môn Ngữ văn tỉnh Quảng Ninh cho bài thơ 'Thời lá đỏ' của nhà thơ Bằng Việt.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do.

Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự hồi sinh của rừng trong đoạn thơ (2): tuôn trào sức sống; chớp mắt lại lên xanh; một trời bướm; một trời hoa; một trời phấn bay; thoắt một trời lá rụng; thầm lặng như không, mà mãnh liệt vô cùng.

Câu 3. Nội dung của những dòng thơ: Cho thấy cách sống của những người lính trong chiến tranh: luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách; coi hi sinh, cống hiến cho đất nước là lẽ tự nhiên của cuộc đời mình mà không tính toán thiệt hơn. Thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca và tự hào của tác giả về thế hệ của mình.

Câu 4. Suy ngẫm của tác giả về "cách sống của rừng": khả năng sinh tồn mãnh liệt, âm thầm, bền bỉ bất chấp bom đạn hủy diệt của chiến tranh. Rút ra bài học về lẽ sống phù hợp. Có thể theo hướng: biết khắc phục khó khăn để vươn lên; biết kiên cường, nghị lực, lạc quan, biết đóng góp, cống hiến.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Đổi mới từng ngày là quá trình thay đổi làm cho bản thân tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước. Đổi mới từng ngày giúp cho mỗi người phát triển bản thân, không bị tụt hậu; mở rộng tầm nhìn, có thêm nhiều cơ hội để thành công; sống một cuộc đời ý nghĩa, lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng; góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.

Câu 2. Phân tích đoạn trích; từ đó nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích.

Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm "Người lái đò Sông Đà" và vấn đề nghị luận

Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà: Dáng hình mềm mại, thướt tha (Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình). Hình dáng Sông Đà trong sự phối cảnh với không gian núi rừng thơ mộng (đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuồn mù khói núi Mèo đốt nương xuân) => Sông Đà như một người thiếu nữ đẹp, duyên dáng, tràn đầy sức sống.

Sắc nước Sông Đà (mùa xuân dòng xanh ngọc bích; mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ… thu về) => Sắc nước biến ảo, mỗi mùa có một vẻ riêng.

Cái "tôi" của tác giả: Hiểu biết, giàu trải nghiệm với những góc nhìn độc đáo, đa dạng về Sông Đà và thiên nhiên, đất nước. Say đắm cảnh sắc thiên nhiên (tôi đã nhìn say sưa…; tôi đã xuyên qua …). Giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc (chưa bao giờ… đè ngửa, láo lếu, phiết vào bản đồ lai chữ).

Nghệ thuật: Liên tưởng, tưởng tượng thú vị, sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh. Ngôn từ độc đáo, giàu sắc thái biểu cảm. Câu văn dài, ngắt nhịp linh hoạt; giọng điệu đa dạng theo cảm xúc của người quan sát. Đoạn văn giàu chất thơ, đậm chất trữ tình.

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Đoạn trích tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân; thể hiện góc nhìn tinh tế, tài hoa về dáng hình và màu nước Sông Đà; bày tỏ cảm xúc trân trọng, yêu mến, tự hào của nhà văn về dòng sông Tây Bắc của Tổ quốc.

Nhận xét phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích

Tài hoa: Tác giả sử dụng từ ngữ độc đáo, liên tưởng bất ngờ, mới mẻ, nghệ thuật dựng cảnh vừa có điểm vừa có diện.

Uyên bác: Vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau để làm phong phú, giàu có khả năng diễn đạt của văn chương (hội họa, điện ảnh, điêu khắc…).

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bai-tho-thoi-la-do-vao-de-khao-sat-mon-ngu-van-tinh-quang-ninh-179240509081533654.htm