Văn hóa… 'mượn'

Sự hội nhập, hay tiếp thu cái mới là điều rất bình thường trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, có những điều, rất nhiều người Việt đang tiếp thu và thực hành theo một cách khá kỳ lạ.

Chúng ta luôn tự hào vì có một nền văn hóa truyền thống lâu đời, một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” với sự đóng góp của 54 dân tộc anh em trên khắp dải đất hình chữ S qua hàng ngàn năm lịch sử…

Những giá trị văn hóa đó, đã góp phần tạo nên nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là điều chúng ta đã từng và vẫn luôn khẳng định như vậy…

Trong quá trình phát triển của bất cứ dân tộc nào trên thế giới, cũng có sự tiếp thu cái mới, cái phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sinh hoạt đời sống tinh thần của cộng đồng, cũng như loại bỏ dần những cái cũ, cái không còn phù hợp. Nhưng, dù phát triển đến đâu hay hội nhập, thay đổi như thế nào cũng sẽ vẫn phải giữ được điều cơ bản, cốt lõi, đã làm nên giá trị của một nền văn hóa…

Sự hội nhập, hay tiếp thu cái mới là điều rất bình thường trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, có những điều, rất nhiều người Việt đang tiếp thu và thực hành theo một cách khá kỳ lạ. Và hơn hết, là theo tâm lý đám đông, nói nặng hơn là một bộ phận không nhỏ “a dua”… Họ thậm chí còn chẳng buồn tìm hiểu về ý nghĩa của sự kiện hay lễ hội nào đó mà mình đang tham gia.

Gần đây, chúng ta thấy trong đời sống sinh hoạt văn hóa người Việt có những ngày lễ vốn không thuộc nền văn hóa của phần đông cộng đồng nhưng được nhiều người đón nhận, như: Valentine, Giáng sinh, Halloween của những cộng đồng theo đạo Thiên Chúa, hay thỉnh thoảng cũng thấy có lễ hội Holi theo văn hóa của người Ấn Độ…

Xét một cách công bằng, với những lễ hội này, cũng góp phần làm đa dạng và phong phú thêm cho đời sống tinh thần của cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh văn hóa, có cảm giác như chúng ta đang tiếp nhận và thực hành một cách khá… “hỗn loạn” và không biết làm thế nào cho đúng.

Ở đây, không bàn đến chuyện tôn giáo hay tín ngưỡng, vì thực tế cũng chẳng thể đề cập đến vấn đề này. Dễ nhận thấy, chúng ta chỉ đơn thuần, là thực hiện theo tâm lý đám đông.

Những lễ hội ở các làng quê bây giờ, dễ dàng nhận thấy người ta mang những hình ảnh, trang phục từ trong phim ảnh ra để thực hành. Thực chất, chúng không hề có một chút ý nghĩa nào về truyền thống văn hóa, mà vô hình chung làm giảm giá trị của những lễ hội ấy (hình ảnh tại một lễ hội ở Bắc Giang 3/2024)

Gần đây, thấy trong các đám cưới, có chuyện bố cô dâu dắt tay con gái vào lễ đường, rồi làm các thủ tục lễ cưới khá xa lạ với thói quen trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung. Xét về văn hóa Á đông nói chung và văn hóa người Việt nói riêng, hình như chẳng có chuyện như thế, trong một đám cưới. Hình ảnh này, chúng ta thường thấy trên phim ảnh, và tất nhiên là trong những đám cưới của người phương Tây, những người theo đạo Thiên Chúa.

Có lẽ, trong một dịp nào đó, anh chàng MC hoặc đơn vị tổ chức lễ cưới, bỗng nghĩ ra việc làm này, và “tư vấn” cho những cặp đôi thuê họ tổ chức đám cưới, để làm như vậy. Rồi lâu dần, người ta cứ làm theo như vậy (?)…

Thời đại công nghệ phát triển, thế giới trở nên “phẳng” hơn. Lớp trẻ có cơ hội tiếp xúc với thông tin trên khắp thế giới, họ trở nên tự tin hơn, năng động hơn. Và nhiều bạn trẻ bây giờ cũng có phong cách, lối sống gần với những nền văn hóa phương Tây hơn.

Dễ dàng nhận thấy bây giờ, các bạn trẻ tự tin thể hiện chính kiến, quan điểm của mình, lựa chọn cho mình những cách thể hiện mà họ tự cho đó là “phong cách” và “cá tính” riêng. Giống như những gì lớp trẻ ở một nền văn hóa khác.

Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều người chỉ “bắt chước” được cái vỏ. Tức là bề ngoài có vẻ khác biệt, nhưng những kiến thức, lời nói lại hoàn toàn ảnh hưởng trên mạng xã hội. Những kiến thức cơ bản, những hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nào đó, gần như không có.

Có thể nói, nhiều bạn trẻ đang hiểu sai về cách tạo nên cá tính của mình. Cá tính, không phải là vẻ bên ngoài, không phải là cách thể hiện khác biệt. Điều làm nên cá tính của một con người - nằm ở tri thức…

Sự tiếp thu thiếu chọn lọc, khiến một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ sai lệch, mà thậm chí còn không biết mình đang sai ở đâu? Thế mới có chuyện học sinh đánh thầy cô ngay trên giảng đường, bạn học bắt nạt, đánh đập bạn một cách man rợ. Sẵn sàng làm mọi việc để thỏa mãn cái tôi mà không cần nghĩ đến hậu quả, tác hại do mình gây ra...

Không rõ trong chúng ta, có ai có cơ hội tham gia những lễ hội đầu năm ở các làng quê, để nhận thấy rằng, bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác, thì khá nhiều năm trở lại đây, hình ảnh lễ hội đã trở nên khác đi rất nhiều. Đặc biệt là trong trang phục của những người tham gia lễ hội cũng như một phần nghi thức…

Người ta thấy các bà, các cô mặc những bộ váy áo sặc sỡ, thoạt đầu nhìn khá vui mắt, nhưng kỹ lại một chút, thì hình như đó là những trang phục được mang ra từ sân khấu chứ không phải vốn xuất phát từ truyền thống văn hóa của nơi ấy mà ra.

Lớp trẻ cần được sống trong không gian văn hóa truyền thống để hiểu và "ngấm" về lịch sử, văn hóa dân tộc, khi ấy họ mới có niềm tự hào một cách tự nhiên về cội nguồn của họ, chứ không phải "đi mượn" và tìm niềm vui từ những nền văn hóa khác như hiện nay

Thỉnh thoảng chúng ta hay thấy những sự kiện được tổ chức hoành tráng và được tuyên truyền xác lập kỷ lục nọ kia, những chiếc bánh chưng khổng lồ, những nồi lẩu vĩ đại, những công trình ngàn tỷ... Giúp một bộ phận người có liên quan sung sướng hỷ hả vì làm được một điều "vĩ đại", nhưng thực chất, nó không đem lại một giá trị nào cụ thể cho cộng đồng, cho sự phát triển của văn hóa bản địa.

Đọng lại chỉ là sự kệch cỡm, lãng phí, và nói như các cụ ngày xưa, hình ảnh phù hợp cho những việc như thế, là: Trọc phú...

Rất khó, để nói hết được hay bàn sâu hơn về vấn đề văn hóa, hay thực hành văn hóa trong vài dòng ngắn ngủi, nhưng rõ ràng, để gìn giữ và xây dựng được một nền văn hóa phù hợp với đời sống dân tộc, những người làm văn hóa cần phải đi đầu trong việc giúp cộng đồng “đi đúng hướng” với sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn văn hóa của chúng ta. Tránh sự pha tạp, hỗn loạn dẫn đến mất dần bản sắc…

Văn hóa, không cần phải là một điều gì đó to tát, hoành tráng... mà là chính từ những hành động, việc làm hằng ngày của chúng ta, được xây dựng trên cơ sở niềm tự hào về lịch sử, cội nguồn dân tộc.

Quang Hùng/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoa-muon-post1086123.vov