Vận hành an toàn lưới điện truyền tải trong mùa mưa bão

Vào giai đoạn các tháng cuối năm, khu vực miền Duyên hải Nam miền Trung lại thường xảy ra mưa, giông kèm nhiều sét gây ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành an toàn của lưới điện.

Sử dụng thiết bị soi phát nhiệt tại Trạm biến áp 220kV Ninh Phước ở xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, đặc biệt bước vào mùa mưa bão năm 2023, Truyền tải điện Ninh Thuận là đơn vị thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.

Theo Truyền tải điện Ninh Thuận, hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia do đơn vị đang quản lý đi qua địa bàn 6 huyện của tỉnh; trong đó, có nhiều cung đoạn đường dây đi qua khu vực rừng núi, vượt sông, thung lũng... gây khó khăn trong quản lý vận hành. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy trong và gần hành lang gây mất an toàn cho lưới điện.

Vào giai đoạn các tháng cuối năm, khu vực miền Duyên hải Nam miền Trung lại thường xảy ra mưa, giông kèm nhiều sét gây ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành an toàn của lưới điện.

Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối ở xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Mặc khác, do lưới điện hiện tại phải truyền tải lượng công suất lớn để giải tỏa tối đa nguồn năng lượng tái tạo vào ban ngày nên phần lớn thời gian cắt điện để sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện chỉ được bố trí thực hiện vào ban đêm gây nhiều khó khăn khi thực hiện công việc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Việc giải tỏa tối đa nguồn công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn làm cho lưới điện của đơn vị thường xuyên vận hành đầy và quá tải dẫn đến phát nhiệt tại điểm tiếp xúc lèo, mối nối và kẹp cực thiết bị, nguy cơ xảy ra sự cố tăng cao.

Ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị đã tổ chức ký biên bản phối hợp hỗ trợ, ứng cứu trong xử lý sự cố, khắc phục hậu quả do thiên tai với đơn vị truyền tải điện các tỉnh lân cận, giáp ranh như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 3 - Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện.

Trạm biến áp 220kV Ninh Phước tại xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận) đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và kết nối lưới điện truyền tải khu vực Duyên hải Nam miền Trung. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, đơn vị đã chủ động rà soát, gia cố toàn bộ lưới điện và phát quang hành lang tuyến kịp thời nhằm khắc phục tồn tại, khiếm khuyết để đảm bảo quản lý, vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Cụ thể, Đội Truyền tải điện Phan Rang và các Tổ thao tác lưu động đã tổ chức kiểm tra vị trí xung yếu, đặc thù, vị trí cột có kè móng, mương thoát nước cũng như hành lang tuyến các khoảng cột... Đồng thời, phối hợp với địa phương vận động hộ dân sống dọc và gần đường dây có nhà lợp mái tôn, cột ăng ten cao, cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây khi có thiên tai tiến hành chằng néo, tháo dỡ anten, chặt tỉa cây trước mùa mưa bão. Cùng đó, đơn vị vận động hộ nông dân làm vườn, ruộng xung quanh trạm biến áp che chắn nhà tạm, các tấm bạt đảm bảo không để bay, rơi vào thiết bị của trạm nhằm ngăn ngừa sự cố lưới điện.

Các Tổ thao tác lưu động thường xuyên theo dõi tình hình vận hành thiết bị nhất thứ, nhị thứ, đặc biệt các thiết bị mang tải cao (máy biến áp tại các Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm, Ninh Phước), đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc; chủ động kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, phương tiện chữa cháy đầy đủ, luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động tốt; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, dụng cụ thi công, phương tiện vận chuyển phục vụ công tác xử lý sự cố. Đồng thời, đặt chế độ theo dõi vận hành lưới điện ở mức cao và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị mọi bất thường trên lưới điện.

Kiểm tra vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện tại Trạm biến áp 220kV Ninh Phước ở xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Ông Nguyễn Yên, Tổ trưởng Tổ thao tác tác lưu động Ninh Phước cho biết, Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước thực hiện nghiêm khâu quản lý, vận hành thiết bị; kiểm tra hệ thống kho, nhà, hệ thống thoát nước và hệ thống tường rào xung quanh trạm biến áp; bố trí đầy đủ phương tiện, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ khi có thiên tai, mưa bão xảy ra.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, Truyền tải điện Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành lưới điện như: phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, đo đếm điện năng MDMS, iStation để kiểm tra thiết bị trạm biến áp; phần mềm quản lý thí nghiệm, an toàn; thư viện điện tử; ứng dụng mã QR-code để quản lý kỹ thuật, vật tư thiết bị; đưa tín hiệu chuông cảnh báo từ hệ thống máy tính điều khiển trạm biến áp lên điện thoại smartphone...

Truyền tải điện Ninh Thuận được giao quản lý, vận hành gần 69 km đường dây 500 kV, hơn 156 km đường dây 220 kV và 3 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất máy biến áp 1.625 MVA và do bốn đơn vị sản xuất trực tiếp quản lý gồm: Đội Truyền tải điện Phan Rang, Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm, Tổ thao tác lưu động Ninh Phước và Tổ thao tác lưu động Phước Thái (tiếp nhận vận hành Trạm biến áp 220 kV Phước Thái từ ngày 31/10/2023).

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên từ đầu năm đến nay, hệ thống lưới điện truyền tải do Truyền tải điện Ninh Thuận quản lý, vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định.

Nguyễn Thành/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/van-hanh-an-toan-luoi-dien-truyen-tai-trong-mua-mua-bao/313429.html