Văn bia năm 1973 tại chùa Tôn Thạnh - xuất phát từ việc tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu

Trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có 2 tấm văn bia tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu và sự gắn bó của cụ Đồ với chùa Tôn Thạnh. Có ý kiến cho rằng, cần bỏ tấm văn bia có nội dung chưa chính xác để tránh nhầm lẫn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có trả lời chính thức về vấn đề trên.

Đề xuất “tháo tấm bảng này ra”

Chùa Tôn Thạnh là ngôi cổ tự thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Đây là nơi lưu dấu nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Từ năm 1859-1862, cụ Nguyễn về quê vợ - bà Lê Thị Điền ở làng Thanh Ba, Cần Giuộc và nương náu tại chùa Tôn Thạnh, mở lớp dạy học. Sau đó, giặc đánh chiếm Cần Giuộc, ông xuôi về Bến Tre. Để ghi nhớ những ngày cụ Đồ Chiểu lưu lại Long An và sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ca ngợi những người nông dân nghĩa sĩ đã dám đứng lên chống lại bọn “Lang sa”, chùa Tôn Thạnh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Văn bia năm 1973 tại chùa Tôn Thạnh

Mặc dù ngôi chùa hiện tại có nhiều thay đổi nhưng giá trị lưu dấu về văn hóa, lịch sử thì vẫn còn nguyên đó. Trong di tích, ngoài kiến trúc chùa Tôn Thạnh, khuôn viên chùa còn có 2 bia đá. Một bia được xây dựng từ năm 1973, một bia được Sở VH-TT&DL xây dựng vào năm 1997 khi đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia Chùa Tôn Thạnh.

Thời gian gần đây, trên tài khoản Facebook Đoàn Lê Giang (được cho là của PGS.TS. Đoàn Lê Giang) có bài viết Những hạt sạn ê răng về Nguyễn Đình Chiểu (hay Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau). Trong bài viết, tác giả phân tích những lỗi sai “nặng” và “nhẹ” (theo lời tác giả bài viết) trên văn bia năm 1973 tại chùa Tôn Thạnh. Văn bia có nội dung “Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp và cũng nơi đây, cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”. Theo tài khoản Facebook Đoàn Lê Giang, văn bản trên, lỗi sai nặng là Nguyễn Đình Chiểu bị mù từ năm 1849 nên không thể lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp mà chỉ “được một vài vị chỉ huy nghĩa quân đến tham vấn về việc đánh Pháp”. Lỗi thứ hai là bài thơ Lục Vân Tiên không được sáng tác tại chùa Tôn Thạnh mà vào khoảng thời gian ông dạy học ở làng Bình Vi (Gia Định).

Ngoài ra, chủ tài khoản Facebook Đoàn Lê Giang còn phản đối cách gọi cụ Đồ Chiểu là "Đại chí sĩ"; đồng thời, đề nghị không nên để bia ở vị trí hiện tại mà nên “tháo tấm bảng này ra, để trong tủ làm kỷ niệm” (dẫn nguyên văn bài viết trên Facebook). Bài viết đã làm dấy lên những tranh cãi xoay quanh tấm văn bia tại chùa Tôn Thạnh, có ý kiến đồng tình với những gì chủ tài khoản Đoàn Lê Giang đã nêu.

Văn bia là công trình mang dấu ấn lịch sử

Về vấn đề đó, Sở VH-TT&DL đã có Văn bản số 1756/SVHTTDL-BTTV báo cáo những nội dung liên quan đến văn bia chùa Tôn Thạnh gửi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trong đó, Sở đồng tình với những điểm chưa chuẩn xác về nội dung mà PGS.TS. Đoàn Lê Giang nêu trong văn bia 1973. Cụ thể: Tác phẩm Lục Vân Tiên được cụ Đồ Chiểu sáng tác không phải ở chùa Tôn Thạnh mà sáng tác vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XIX.

Văn bia được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng năm 1997 nhằm điều chỉnh, bổ khuyết nội dung văn bia năm 1973

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Tấn Quốc cho biết: “Chính vì những thông tin chưa chuẩn xác đó, nhân dịp đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia chùa Tôn Thạnh, năm 1997, Sở Văn hóa - Thông tin Long An (nay là Sở VH-TT&DL) và UBND huyện Cần Giuộc phối hợp xây dựng thêm một bia khác ngay sát cạnh bia năm 1973 trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh, nội dung văn bia khẳng định tại Di tích quốc gia Chùa Tôn Thạnh, cụ Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam đã dạy học và sáng tác văn thơ yêu nước trong thời gian 1859-1862, trong đó có bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đây chính là việc bổ khuyết, sửa chữa sai sót của văn bia năm 1973”.

Đối với vấn đề cụ Đồ Chiểu có lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp hay không, Sở VH-TT&DL thông tin: "Trong thời gian ở Cần Giuộc, cụ Đồ Chiểu có mối liên hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh nghĩa quân kháng Pháp như Trương Định, Bùi Quang Diệu, Thống Chế Sĩ,... Cụ đã bày mưu kế, sách lược kháng chiến cho các thủ lĩnh nghĩa quân kể trên. Như vậy, có thể nói cụ đã gián tiếp tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ. Trong hệ giá trị con người Nguyễn Đình Chiểu, có yếu tố vượt lên nghịch cảnh, số phận để vươn tới mục đích cao cả". Chính vì những điều đó, Sở VH-TT&DL khẳng định việc gọi cụ Đồ Chiểu là "Đại chí sĩ" xuất phát từ tình cảm lớn lao với ý chí muốn nhấn mạnh, tôn vinh tài năng, nhân cách và cống hiến của cụ.

Đặc biệt, đối với đề xuất “tháo tấm bảng này ra, để trong tủ làm kỷ niệm”, ông Nguyễn Tấn Quốc khẳng định: “Di tích chùa Tôn Thạnh là Di tích quốc gia được Nhà nước xếp hạng với những thành tố vật chất được bảo vệ bằng pháp luật (Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984 và nay là Luật Di sản văn hóa năm 2001), trong đó có bia Nguyễn Đình Chiểu được tạo lập năm 1973. Bia là công trình văn hóa, mang dấu ấn của một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử nhất định, phản ánh nhận thức, cách nhìn, cách đánh giá về một nhân vật hay một sự kiện lịch sử. Tuy văn bia năm 1973 có những điểm chưa chuẩn xác về nội dung nhưng đây vẫn là một công trình văn hóa có giá trị tôn vinh Nguyễn Đình Chiểu, không đi ngược lại những giá trị lịch sử, văn hóa mà chúng ta đang bảo vệ và phát huy. Chính vì vậy, khi lập hồ sơ xếp hạng di tích chùa Tôn Thạnh, xuất phát từ nhận thức và những quy định về bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa; đồng thời, với việc giữ lại những bằng chứng qua các thời kỳ lịch sử tôn vinh giá trị Nguyễn Đình Chiểu là việc tiếp tục điều chỉnh, bổ khuyết, sửa sai những vấn đề tồn tại mà lịch sử để lại như đã nêu là việc xây dựng bia mới năm 1997 để khẳng định lại những giá trị Nguyễn Đình Chiểu ở chùa Tôn Thạnh và Long An nói chung mà tỉnh Long An đã làm”./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/van-bia-nam-1973-tai-chua-ton-thanh-xuat-phat-tu-viec-ton-vinh-nguyen-dinh-chieu-a140253.html