Vai trò quan trọng của kháng thể IgA chống virus SARS-CoV-2

Ảnh minh họa. Nguồn: Adobe

* Ấn Độ cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm do biến thể XBB của Omicron

Kháng thể Immunoglobulin A (IgA) góp phần quan trọng tạo ra phản ứng đề kháng của cơ thể đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Đây là kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Úc thuộc Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty (Viện Doherty), Đại học Melbourne, cùng với Viện Nghiên cứu Y khoa Walter và Eliza Hall thực hiện.

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã so sánh các phản ứng kháng thể khác nhau với virus SARS-CoV-2 trong huyết thanh của 41 người đã khỏi COVID-19.

Bà Samantha Davis tại Viện Doherty, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu máu trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng ngăn chặn virus và kích hoạt các tế bào miễn dịch để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Theo bà, trước đây các nhà khoa học đã biết rằng các kháng thể Immunoglobulin G (IgG) rất cần thiết trong phản ứng đề kháng tiêu diệt virus SARS-CoV-2, nhưng nhóm nghiên cứu đã phát hiện IgA cũng đóng vai trò quan trọng tương tự ở đa số những người được nghiên cứu.

Viện Doherty cho biết sau khi mắc COVID-19, cơ thể người sản sinh ra các kháng thể đặc hiệu chống lại virus, theo đó vừa tiêu diệt virus vừa ngăn chặn lây nhiễm.

Trong khi kháng thể IgG được nhiều người cho là quan trọng đối với việc phòng ngừa và kiểm soát virus SARS-CoV-2, vai trò của kháng thể IgA bị bỏ qua trong suốt thời gian đại dịch.

Do đó, các tác giả nhấn mạnh kết quả nghiên cứu trên đặc biệt quan trọng bởi kháng thể IgA hiện diện nhiều ở niêm mạc đường hô hấp - con đường chính có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Điều này có nghĩa là nếu tạo được các kháng thể tập trung ở những điểm dễ tổn thương này thì sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh chống lại virus.

Từ đó, nghiên cứu trên mở ra cách tiếp cận mới để phát triển thêm các vắc xin ngừa COVID-19 trong tương lai. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical and Translational Immunology ngày 23/10.

Immunoglobulin A là loại globulin miễn dịch có nồng độ cao thứ hai trong máu sau Immunoglobulin G, chiếm khoảng 10-15% tổng lượng gamma globulin của cơ thể. Chúng hiện diện chủ yếu ở niêm mạc đường hô hấp, tuyến nước bọt, dịch ruột, tuyến lệ, tuyến tiền liệt, sữa mẹ...

* Theo báo Times of India ngày 25/10, biến thể phụ XBB của Omicron, đặc biệt là XBB.3, nhiều khả năng sẽ trở trành biến thể chủ đạo của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ trong vòng 1 tháng tới.

Nguồn tin cho biết đã có 71 ca nhiễm XBB được xác nhận tại Ấn Độ vào đầu tháng này và đến ngày 24/10, con số đã tăng lên 235 ca.

Báo Times of India dẫn lời một nhà khoa học cấp cao của Hiệp hội nghiên cứu gene virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) cho hay chủng XBB.3 hiện đang dẫn đầu về số ca nhiễm tại nước này.

Bang Tây Bengal, ở miền Đông Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm XBB cao nhất với 103 ca. Tại bang Maharashtra, cơ quan y tế đã cảnh báo số ca nhiễm liên quan đến XBB có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 11.

Tiến sĩ Sanjay Pujari, thành viên của lực lượng đặc trách chống COVID-19 quốc gia, đã nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì phân tích gene.

Chuyên gia này cho rằng cần làm rõ tác động của những biến thể phụ XBB đối với nguy cơ khiến bệnh trở nặng, đồng thời cải thiện việc tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.

Biến thể XBB lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 8. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận định đây là một trong những biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng né tránh miễn dịch cao nhất. Các nước tại châu Á - Thái Bình Dương đang theo dõi chặt chẽ biến thể này.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/288509/vai-tro-quan-trong-cua-khang-the-iga-chong-virus-sars-cov-2.html