Vai trò của giáo dục thẩm mỹ trong giáo dục đại học

Ngày 10.4 tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong nhà trường tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề 'Giáo dục thẩm mỹ trong hệ thống giáo dục đại học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn'.

Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận về những vấn đề mang tính lý luận về vai trò của giáo dục thẩm mỹ trong giáo dục đại học cho đến những vấn đề mang tính thực tiễn như những mô hình thực tế đã được triển khai, những kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã được áp dụng…

Phát biểu tại tọa đàm, TS Bùi Thế Đức, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban tổ chức (BTC) tọa đàm nhấn mạnh, văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù và đặc biệt tinh tế của văn hóa, như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, giáo dục thẩm mỹ có một vai trò đặc biệt quan trọng, bao trùm lên cả lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị môi trường tiếp nhận, đào tạo công chúng của văn học nghệ thuật.

Văn học nghệ thuật cũng như công nghiệp văn hóa, không thể có được và phát triển vững chắc nếu thiếu một đội ngũ nhân lực không chỉ tinh thông về nghề nghiệp mà còn phải có nền tảng tư tưởng và nền tảng văn hóa vững vàng, có thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, hiện đại và lành mạnh. Đồng thời, tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính không thể tồn tại được nếu thiếu một đội ngũ công chúng có định hướng thẩm mỹ tốt.

“Công tác giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường có một vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ hệ thống đại học là nguồn cung cấp nhân lực quan trọng cho văn học nghệ thuật và tiến hành công nghiệp văn hóa; đồng thời, sinh viên - chiếm một tỷ lệ đông đảo trong thanh niên - cũng chính là những công chúng hiện tại và tương lai của nền văn học nghệ thuật nước nhà”, TS Bùi Thế Đức nhấn mạnh.

PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, giáo dục thẩm mỹ là một phương diện quan trọng trong chức năng giáo dục của văn học. Nhận thức được vai trò nghệ thuật ngôn từ trong hình thành, phát triển nhân cách cho con người, từ đó có những nội dung và phương pháp giáo dục thẩm mỹ hiệu quả.

Theo các đại biểu, nhà nước và Bộ GD-ĐT đã cố gắng phát triển các môn giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học, nhưng thực tế còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân từ hoàn cảnh lịch sử, ý thức của phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, cũng như quy định và tổ chức thực hiện… Vì vậy, nhà nước, Bộ GD-ĐT cần có biện pháp, quy định cụ thể để thúc đẩy giáo dục thẩm mỹ có những bước tiến vững chắc, tạo nền tảng cho tương lai.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vai-tro-cua-giao-duc-tham-my-trong-giao-duc-dai-hoc-215933.html