Vai trò của các chính khách trong việc hòa giải xung đột ở châu Phi

Các cựu nguyên thủ quốc gia châu Phi đóng một vai trò quan trọng trong việc hòa giải xung đột trên khắp châu Phi, nơi các mâu thuẫn được đánh giá là đầy thách thức và phức tạp.

Các cựu Tổng thống Olusegun Obasanjo của Nigeria và Uhuru Kenyatta của Kenya (đứng giữa) đang làm trung gian hòa giải giữa các chiến binh Tirgray và Chính phủ Ethiopia

Cầu nối của hòa bình

Trong hơn 3 thập kỷ, các nhà hòa giải châu Phi đã tham gia giải quyết xung đột dân sự ở nhiều điểm nóng của lục địa này như Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Rwanda và Uganda. Những nhà hòa giải bao gồm tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, chính khách cao tuổi và đặc phái viên đã can thiệp để giúp các bên tham chiến xây dựng lại các thể chế trật tự chính trị, gắn kết xã hội và ổn định kinh tế. Một số cựu tổng thống sau này trở thành người hòa giải như ông Olusegun Obasanjo của Nigeria hay Uhuru Kenyatta của Kenya chưa từng phải đối phó với các phong trào nổi dậy trong nhiệm kỳ của họ, nhưng không vì thế mà công việc này không có tính hiệu quả.

Trong một cuộc phỏng vấn với DW, Giáo sư Gilbert Khadiagala tại Đại học Wits (Nam Phi) cho biết, các cựu nguyên thủ quốc gia nhận được rất nhiều sự tôn trọng và thường được cả 2 bên chấp nhận làm người hòa giải. “Điều đó mang lại cho họ đòn bẩy về mặt uy tín để can thiệp vào những cuộc xung đột này. Bởi vì ở châu Phi, những cuộc xung đột thường cần một người hòa giải cấp cao” - ông Khadiagala nói đồng thời cho biết thêm, Liên minh châu Phi (AU) đã sử dụng các chính khách lớn tuổi, có hiểu biết nhưng những người này không được xếp hạng cao như các nguyên thủ quốc gia và quan chức chính phủ trước đây.

Nhà khoa học chính trị Adolph Mbeine tại Đại học Makerere nhận xét, ông Uhuru Kenyatta - cựu Tổng thống Kenya khi làm trung gian đàm phán trong cuộc khủng hoảng ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã thực hiện rất tốt trách nhiệm của mình trong hoàn cảnh đầy thách thức, vì các vấn đề của châu Phi rất sâu sắc và phức tạp. “Điều tôi chắc chắn là ông ấy có thể đóng góp vào tiến trình hòa bình giữa các phe tham chiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo” - ông Adolph Mbeine nói. Xung đột đeo bám quốc gia này trong hàng chục năm khi các cộng đồng dân tộc thiểu số bị gạt ra ngoài lề, cộng với sai lầm của các đời chính phủ kể từ khi Tổng thống Mobutu Seseko bị lật đổ vào năm 1996. “Vấn đề với các nhà hòa giải là cần tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề gây ra xung đột. Và chừng nào những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thì xung đột sẽ tiếp tục” - ông Mbeine nói thêm.

Lắng nghe và thấu hiểu

Tuần trước, bất chấp các nỗ lực hòa bình đang được tiến hành, phiến quân M23 đã cắt các tuyến đường tiếp tế chính tới Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Điều đó dẫn đến giá cả tăng vọt trong thành phố và làm dấy lên lo ngại một cuộc tấn công trong tương lai sẽ làm tê liệt nền kinh tế của thành phố. Việc xây dựng lòng tin giữa trung gian bên hòa giải và các bên tham chiến là rất quan trọng để chấm dứt các hành động thù địch vốn gây thiệt hại nhiều sinh mạng. Ví dụ, Liên minh châu Phi đã giao nhiệm vụ cho ông Olusegun Obasanjo - cựu Tổng thống Nigeria làm trung gian giữa chính phủ và Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) ở Ethiopia.

Một điều mà các bên sẽ luôn xem xét là những nhà lãnh đạo châu Phi này đã làm gì ở quốc gia của họ. Họ có vấn đề gì với các nhóm vũ trang và phiến quân không? Họ có thể hòa giải vấn đề đó một cách xây dựng không? Người Tigray cũng lo ngại rằng ông Obasanjo không hiểu rõ về địa hình cũng như có liên hệ chặt chẽ với Chính phủ Ethiopia và Thủ tướng Abiy Ahmed trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh. Do đó, ông đã phải vật lộn với việc lắng nghe các bên và hiểu lợi ích cũng như mục tiêu của họ trong vài tháng qua để đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa.

Một điều chúng ta thường thấy trong các cuộc xung đột ở châu Phi là những người hòa giải thường đến từ bên ngoài (như các đặc phái viên chẳng hạn) có xu hướng đóng băng xung đột tại chỗ bởi trước hết họ không nắm bắt được nguyên nhân của cuộc xung đột. Lý tưởng nhất là các bên tham chiến sẵn sàng nói chuyện với nhau. Như trường hợp Uganda, khi Tổng thống Yoweri Museveni lên nắm quyền vào năm 1986, chính phủ của ông đã giải quyết hầu hết các cuộc khủng hoảng nội bộ bằng cách đàm phán với các nhóm phiến quân muốn lật đổ chính quyền. Vì thế, nếu có ý chí giữa các bên chính trong bất kỳ cuộc xung đột nào thì vai trò của các không gian bên ngoài là không cần thiết.

(Theo DW)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vai-tro-cua-cac-chinh-khach-trong-viec-hoa-giai-xung-dot-o-chau-phi-post526914.antd