'Uy lực' chốt giữ rừng làng Hà Ri, nỗi khiếp sợ của lâm tặc

Đứng trước thực tế rừng bị lâm tặc tàn phá từng ngày, bản sự làng Hà Ri triệu tập họp dân, đưa việc giữ rừng vào quy ước của làng, đồng thời lấy ý kiến lập chốt bảo vệ rừng. Đại diện 142 hộ dân biểu quyết đồng ý 100%. Tất cả 142 hộ dân ở Hà Ri đều cung cấp cho làng 1 lao động chính...

Nuôi rừng như nuôi người

Làng Hà Ri hiện có 142 hộ dân gồm 4 dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bana với hơn 510 nhân khẩu. Người đông nhưng ruộng lúa nước không có, chỉ 14 ha. Cuộc sống người dân ở đây hoàn toàn nương tựa vào nguồn thu từ 300 ha cây điều và khoản hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng hàng năm.

Chốt giữ rừng được lập ngay con đường độc đạo dẫn từ rừng về miền xuôi ngang qua làng Hà Ri

Theo Trưởng làng Hà Ri Đinh Thái, hiện nay, ngoài 668 ha rừng cộng đồng được Nhà nước giao cho tập thể làng Hà Ri quản lý bảo vệ, 142 hộ dân ở đây còn được giao khoán 1.000 ha rừng nguyên sinh tại khu vực Nước Tấn, 98 ha tại Tà Má, 300 ha rừng mô hình do kiểm lâm giao và hơn 625 ha rừng đầu nguồn suối Tà Má giáp ranh với huyện Hoài Ân.

“Nguồn thu chủ yếu của người dân làng Hà Ri là từ cây lâm nghiệp và rừng. Bình quân mỗi nhân khẩu được nhận khoán quản lý bảo vệ khoảng 15 ha rừng. Với mức hỗ trợ 400.000đ/ha/năm, mỗi nhân khẩu có thêm khoản thu 6 triệu đồng/năm cùng các khoản thu từ khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng như song mây, mật ong, cây thuốc chữa bệnh”, ông Thái cho hay.

Tuy nhiên, do rừng ở Hà Ri còn nhiều gỗ quý nên lâm tặc chọn làm chốn làm ăn mầu mỡ. Anh Đinh Văn Giang (38 tuổi), Bí thư Chi đoàn làng Hà Ri, cho biết: “Ít ở đâu còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh còn gỗ quý như ở Hà Ri. Rừng ở đây còn nhiều gỗ cà te, hương, chò, gõ, trắc… nên nhiều lâm tặc vào khai thác trái phép”.

Anh Giang nhớ lại: “Trước đây, bình quân mỗi tuần lâm tặc vận chuyển 2 xe độ chế chở gỗ khai thác lậu ngang qua làng Hà Ri để về xuôi tiêu thụ, mỗi chuyến khoảng 3-4 khối. Dân nhìn bức xúc lắm, rừng do mình quản lý, họ vào khai thác lậu cứ như lấy trộm đồ trong nhà mình mà không có cách gì ngăn chặn được”.

Trưởng làng Đinh Thái nối tiếp câu chuyện: “Lâm tặc thường chở gỗ từ rừng về xuôi vào ban đêm. Vì quá bức xúc, có nhiều người dân thức cả đêm canh xe chở gỗ lậu, dù chẳng được ai giao nhiệm vụ. Khi thấy xe chở gỗ lậu từ rừng xuống, đi ngang qua làng là gọi điện báo cho các cơ quan chức năng. Nhưng có lẽ do cán bộ không tin mấy vào nguồn tin dân báo nên thì họ trả lời không có lực lượng, khi thì bảo đang bận chuyện này chuyện nọ không xử lý được. Thế là những xe chở gỗ lậu cứ ung dung về xuôi trước những đôi mắt xót xa của dân làng”.

Cả cán bộ cũng trực chốt (trưởng làng ngoài cùng bìa trái, ngồi giữa là Bí thư chi đoàn làng Hà Ri)

Theo người dân làng Hà Ri, ngoài mang lại lợi ích kinh tế, rừng ở đây còn được bà con xem như là “gia tài” mà Giàng (trời) ban cho dân làng. Bởi thế, ý thức giữ rừng của họ rất cao.

“Nuôi rừng như nuôi người, như nuôi tương lai. Bây giờ mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ rừng để sống”, ông Đinh Xuân Hằng, Bí thư Chi bộ làng Hà Ri.

Đứng trước thực tế rừng bị lâm tặc tàn phá từng ngày, bản sự làng Hà Ri triệu tập họp dân, đưa việc giữ rừng vào quy ước của làng, đồng thời lấy ý kiến lập chốt bảo vệ rừng. Đại diện 142 hộ dân biểu quyết đồng ý 100%. Nguyện vọng này được trình lên xã, lên huyện, cấp nào cũng ủng hộ. Thế là vào tháng 5/2015, chốt giữ rừng dân lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Định được lập tại làng Hà Ri.

Lâm tặc chạy... mất dép

Chốt giữ rừng làng Hà Ri được dựng ngay con đường độc đạo từ rừng về xuôi, mà người dân gọi là “con đường mạch” của làng. Chốt giữ rừng được làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào Bana, rộng chỉ chừng 9 mét vuông nhưng “uy lực” khôn lường.

“Uy lực” muốn nói ở đây chính là lực lượng trực chốt rất hùng hậu. Tất cả 142 hộ dân ở Hà Ri đều cung cấp cho làng 1 lao động chính tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng. Riêng lực lượng trực chốt được thành lập 30 tổ, mỗi tổ 3 người phụ trách 1 ca trực. Mỗi ca trực được chia từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau, rồi thay ca từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, cứ thế xoay vòng đủ tháng.

“Đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức giao khoán, bảo vệ cho người dân làng Hà Ri thuộc xã Vĩnh Hiệp khoảng 2.000 ha rừng. Những diện tích rừng giao khoán được người dân bảo vệ rất tốt, nhất là sau khi làng Hà Ri thành lập chốt bảo vệ rừng chắn ngay con được độc đạo dẫn từ rừng về miền xuôi”, ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách BQL Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.

Thú vị nhất là từ khi lập chốt bảo vệ rừng, bản sự làng Hà Ri còn kêu gọi khoảng 45 thanh niên trong làng từng đi làm thuê cho lâm tặc hoặc trực tiếp khai thác gỗ trái phép từ bỏ chuyện làm ăn bất chính, quay về tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng của làng và làm ăn chân chính.

“Những thanh niên trước đây có tham gia vào chuyện phá rừng hiện nay đã chăm chỉ làm ăn, cùng gia đình trồng rừng sản xuất hoặc chăm vườn điều đang cho thu hoạch để kiếm thu nhập chính đáng”, ông Đinh Xuân Hằng cho biết.

Không chỉ trực chốt, mỗi tuần, làng Hà Ri còn tổ chức 2 đợt đi vào rừng truy quét, mỗi đợt có 45 người tham gia. “Sau khi lập chốt bảo vệ rừng, lâm tặc không dám ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu đi qua làng.

Chúng tôi hiểu, như thế không có nghĩa là lâm tặc không còn hoạt động, mà chúng vẫn đang lén lút khai thác xong giấu gỗ trong rừng, đợi đêm đến vận chuyển nhỏ lẻ về xuôi. Do đó, chúng tôi quyết định mở những đợt vào rừng truy quét”, anh Đinh Thái kể. Từ khi thành lập đến nay dân làng đã phát hiện, ngăn chặn khoảng 20 vụ vi phạm.

“Trong những đợt truy quét, mỗi thành viên tham gia phải tự mang cơm theo để ăn trưa, đi hết ngày mới về. Dù không được bồi dưỡng bồi diếc gì, nhưng ai nấy đều hăng hái tham gia. Từ khi lập chốt, mỗi lần phát hiện hoạt động của lâm tặc, chúng tôi gọi điện báo cho UBND xã hoặc kiểm lâm địa bàn bất cứ lúc nào là họ lập tức có mặt ngay. Đến nay lực lượng bảo vệ rừng của làng Hà Ri đã bắt và giao cho UBND xã Vĩnh Hiệp 4 khối gỗ”, trưởng làng Hà Ri cho biết thêm.

Lực lượng bảo vệ rừng làng Hà Ri truy quét trong rừng

Tôi hỏi: “Lâm tặc thường hung hăng, khi đối mặt với họ các anh có thấy sợ không?”. Ông Đinh A Lưng, một thành viên trong lực lượng bảo vệ rừng của làng Hà Ri nói cứng: “Mình làm việc đúng mà sao phải sợ. Lường trước là chúng hung hăng nên mỗi đợt truy quét chúng tôi đi đến 40-50 người, dù thấy chúng tôi tay không nhưng chúng không dám manh động đâu, thường là bỏ chạy... mất dép”.

Ông Phạm Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, ghi nhận: “Từ khi làng Hà Ri thành lập lực lượng bảo vệ rừng, những cánh rừng trên địa bàn được bình yên hơn, nạn phá rừng và cháy rừng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đây là điều rất đáng ghi nhận của người dân làng Hà Ri”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/uy-luc-chot-giu-rung-lang-ha-ri-noi-khiep-so-cua-lam-tac-post177138.html