Ưu tiên nguồn lực giải quyết 'vùng trũng' về cơ sở vật chất của giáo dục Thủ đô

Quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023, đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai chiều 11/7.

Sau khi kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai, trên địa bàn quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP.HN Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với UBND quận Hoàng Mai.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trên địa bàn quận đang triển khai thực hiện 99 dự án, bao gồm 24 dự án xây dựng trường học. Trong đó có 16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư là 2.008 tỷ đồng.

Năm 2023, quận sẽ hoàn thành 5/16 dự án gồm các trường: Mầm non Hoa Sữa, Tiểu học Tân Mai, Tiểu học Trần Phú, THCS Định Công và THCS Đại Kim, khởi công 4 dự án và chuẩn bị đầu tư 4 dự án trường học.

Về tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm 2022, quận Hoàng Mai có tổng số 59 trường, trong đó, 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 69,5%. Kế hoạch 5 năm 2023-2025, tổng số trường công lập đạt dự kiến là 61 trường, trong đó, phấn đấu có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,3%.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, do dân số cơ học tăng dẫn đến số học sinh trên địa bàn Quận tăng nhanh hàng năm, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp, số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, diện tích đất/học sinh không đảm bảo tiêu chuẩn, thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.

Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) từng là "điểm nóng" về tuyển sinh lớp 1 cách đây vài năm (ảnh minh họa)

Một nguyên nhân khác cũng được Chủ tịch UBND Quận nhắc đến là do hiện nay trên địa bàn có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư nợ thuế lớn, không thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài qua nhiều năm, nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như: Trường học, cây xanh, bãi đỗ xe... dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội trên địa bàn…

Do đó, bà Tâm kiến nghị Thành phố chỉ đạo, ban hành Quyết định thu hồi đất chính thức 4 ô đất trường học đã được Tổng Công ty HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư. Quận cũng kiến nghị Thành phố chấp thuận phương án hỗ trợ nguồn ngân sách Thành phố giao quận thực hiện đầu tư công đối với 2 ô đất và chấp thuận thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư/ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 ô đất còn lại.

Đối với dự án khu vực chức năng đô thị Ao Sào, quận kiến nghị thu hồi 2 ô đất trường học tại đây, giao quận đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của quận…

Ngoài ra, lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng đề nghị Thành phố cho phép nâng thêm tầng cao đối với các dự án trường học khi đầu tư xây dựng.

Đối với dự án chậm triển khai, đang thực hiện các bước điều chỉnh hoặc được UBND Thành phố chấp thuận, quận đề nghị đẩy nhanh tiến độ. Trong trường hợp các nhà đầu tư không triển khai, kiến nghị thu hồi và giao nhà đầu tư đủ năng lực…

Chia sẻ với những tồn tại của giáo dục Hoàng Mai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin thêm, Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội.

Tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh trong 1 nhóm/lớp. Đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp, cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp, khối THCS là 45,5 học sinh/lớp, cấp THPT là 46 học sinh/nhóm lớp.

Quận Hoàng Mai hiện có 3.710 cán bộ, giáo viên, cơ bản đáp ứng về số lượng giáo viên trên địa bàn.

Trước thực trạng này, ông Cương nêu đề xuất để quận Hoàng Mai tiếp tục dành quỹ đất đầu tư cho trường học bởi tại địa bàn quận số lượng trường công lập còn thấp, chưa đáp ứng được mong muốn con em mình được học trường công lập của phụ huynh học sinh.

Ông Cương cũng cho biết, hiện ở Hà Nội, ngoài quận Hoàng Mai thì các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng là địa bàn có sức "nóng" về số lượng học sinh do ở đây, tập trung nhiều khu dân cư mới nên tạo "sức ép" lớn đối với trường lớp học.

Lãnh đạo Thành phố đi kiểm tra cơ sở vật chất trường học tại quận Hoàng Mai (ảnh: Hanoi.gov.vn)

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HN Trần Sỹ Thanh nhận định, quận Hoàng Mai là một trong những "vùng trũng" về cơ sở vật chất giáo dục, do đó, Thành phố sẽ dành quan tâm, ưu tiên, phân bổ nguồn lực để tháo gỡ, giúp quận phát triển nhanh trong lĩnh vực giáo dục.

Chủ tịch UBND TP.HN cho rằng, quận Hoàng Mai cần có Nghị quyết chuyên đề mới với vấn đề cơ sở vật chất giáo dục, đây cũng được cho là vấn đề cốt yếu của quận Hoàng Mai.

Quận cũng cần rà soát, đánh giá lại nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển để phân công triển khai nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục quận.

Chủ tịch UBND TP.HN đề nghị, quận tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Chủ tịch UBND TP.HN cũng đồng ý với đề xuất của quận và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp đối với 4 ô đất quận đề xuất dành để xây dựng trường học. Đồng thời, đề nghị các Sở liên quan ủy quyền cho quận để thực hiện các thủ tục đầu tư với tinh thần Sở chỉ hướng dẫn và giám sát việc thực hiện.

Với đề xuất điều chỉnh chiều cao các dự án, Chủ tịch UBND TP.HN thống nhất quan điểm điều chỉnh chiều cao các dự án trường học trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của Thành phố.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thu hồi 2 ô đất dự án ở Khu đô thị Ao Sào với tinh thần quyết liệt, hoàn thành trong tháng 9/2023, để bàn giao cho quận tiến hành đấu giá đất theo quy định./.

Phương Anh (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/uu-tien-nguon-luc-giai-quyet-vung-trung-ve-co-so-vat-chat-cua-giao-duc-thu-do-20230711230648075.htm