Ưu tiên khởi công 2 tuyến đường sắt cao tốc kết nối Hà Nội trước 2030

Thường trực Chính phủ yêu cầu Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng phải có nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó một trong những nội dung được Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, bố trí nội dung quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian.

Cụ thể về không gian phát triển giao thông, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trong khu vực và liên kết vùng, rà soát, bổ sung, đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội; phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng);

Trong đó, ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc.

Rà soát các tuyến đường kết nối hành lang công nghiệp, bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Nghiên cứu vị trí hợp lý sân bay thứ 2 - Sân bay quốc tế trung chuyển lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, dự phòng cho sân bay Quốc tế Nội Bài tại khu vực phù hợp của Vùng đồng bằng sông Hồng, tiết kiệm đất đai; rà soát không gian phát triển giao thông phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành lĩnh vực giao thông.

2 tuyến cao tốc được ưu tiên chuẩn bị và đầu tư gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc.

Về không gian văn hóa, Thường trực Chính phủ yêu cầu phân tích, nêu bật các đặc trưng lớn, điểm nhấn văn hóa của vùng (lịch sử, văn hóa lúa nước, nhà Trần…) gắn kết với việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển kinh tế du lịch; xây dựng giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư tạo ra các không gian, công trình văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Về không gian các dòng sông, yêu cầu khôi phục và làm “sống” các dòng sông, gắn kết văn hóa lưu vực các dòng sông trong khu vực; tăng cường phát triển giao thông thủy nội địa trong vùng và liên kết vùng, phát huy các lợi thế của du lịch dọc theo các tuyến đường thủy.

Đối với không gian phát triển đô thị, yêu cầu nghiên cứu, rà soát bố trí phát triển không gian đô thị hợp lý, quy hoạch đô thị hướng tới không gian xanh, thông minh, hiện đại, gắn kết với giao thông công cộng; Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, định hướng quy hoạch di dời ra khỏi nội đô các cơ sở sản xuất, một số đơn vị sự nghiệp, các cơ sở nghiên cứu lớn,… để giảm tải áp lực hạ tầng.

Thường trực Chính phủ lưu ý cần rà soát nội dung quy hoạch về nguồn lực với tư duy mang tính đột phá để tạo ra nguồn lực, trong đó chú trọng tận dụng, phát huy và khai thác các nguồn lực: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản truyền thống (gắn kết với kinh tế du lịch), con người và hợp tác công tư.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/uu-tien-khoi-cong-2-tuyen-duong-sat-cao-toc-ket-noi-ha-noi-truoc-2030-a658416.html