Ước mơ được dệt từ những người thợ may đặc biệt

Việc mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật vừa là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội vừa trở thành giá trị mà nhiều doanh nghiệp mong muốn đóng góp. Trong số đó, KymViet đã thành công trong việc không chỉ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật mà còn dệt nên ước mơ đưa sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam vươn xa hơn nữa.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật; trong đó có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm. Trong đó, KymViet là một mô hình thành công khi đã hỗ trợ việc làm cho người lao động khuyết tật trong thời gian qua. Hơn thế nữa, những đôi bàn tay khéo léo ấy đã dệt nên ước mơ đưa sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam vươn xa hơn nữa.

Đây là nơi sản xuất ra những sản phẩm làm từ vải, những chiếc túi hay thú nhồi bông đều được những đôi bàn tay tỉ mẩn này tạo nên. Tuy nhiên điều đặc biệt là tại đây, trong các ca làm việc chỉ có tiếng động duy nhất từ chiếc máy khâu.

Điều đặc biệt tại xưởng sản xuất này là trong các ca làm việc chỉ có tiếng động duy nhất từ chiếc máy khâu

Theo chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Thùy Trang, người lao động tại KymViet cho biết: "Tôi làm ở KymViet, có một cái tình cảm trước tiên là chúng tôi có một sự kết nối gắn bó với nhau bởi ở đây đã có một cộng đồng của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi là người không nghe nói được. Chúng tôi có ngôn ngữ để nói chuyện với nhau, chúng tôi giao tiếp được với nhau, đấy là cái thuận lợi nhất. Và sau đấy có những công việc của chúng tôi ở đây, luôn luôn là những cái hỗ trợ giúp đỡ nhưng mà chúng tôi hiểu nhau bởi ngôn ngữ của chúng tôi."

Sự nhiệt huyết của những người thợ đặc biệt trong quá trình làm việc

Ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT KymViet cũng chia sẻ: "Đầu tiên mình cũng là người khuyết tật, và khi tôi là người khuyết tật tôi rất là hiểu những người khuyết tật họ vất vả đi tìm những công việc nó khó khăn như thế nào. Đó là một trong những lý do mà tôi thành lập ra công ty cổ phần KymViet. Bởi vì cái thứ hai nữa là đối với người khuyết tật, bởi vì tư duy của cộng đồng vẫn đang chưa hiểu hết về người khuyết tật. Mong muốn chứng minh được một điều là người khuyết tật họ vẫn còn rất nhiều những cái khả năng nếu như tạo cho họ một môi trường làm việc tốt và phù hợp với thể trạng của họ. Họ vẫn có thể hoàn toàn cống hiến cho xã hội và mang những sản phẩm tốt cho cộng đồng."

Những người lao động khuyết tật ở đây đều mang trong mình tâm huyết muốn tạo nên những sản phẩm chỉn chu bởi họ hiểu rằng mỗi món quà, từng đường kim mũi chỉ, mang trong nó sự sáng tạo tinh tế, đậm sắc màu văn hóa Việt Nam, là công phu của nghệ thuật thủ công đúng với tinh thần của KymViet. Việc tạo ra đa dạng những mẫu mã thú nhồi bông hay các sản phẩm được làm từ chính những con người khuyết tật ấy chính là minh chứng cho ước mơ, nhiệt huyết của họ.

Tâm huyết của họ là tạo ra đa dạng mẫu mã các sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam

Ngoài ra, ông Hoài còn chia sẻ về những giá trị văn hóa trong sản phẩm của KymViet, ông cho biết: "Chúng tôi mong muốn sẽ đưa văn hóa Việt vào trong các sản phẩm của KymViet. Ví dụ chúng tôi có sản phẩm trâu mục đồng là một trong những sản phẩm gây tiếng vang lớn. Trong năm mới có những sản phẩm linh vật cho năm mới thì như con rồng năm nay - năm Giáp Thìn, thì chúng tôi cũng đã thiết kế làm sao để kết hợp được rất nhiều những cái con rồng Việt từ các đời vua đời Lý đời Trần và đời nhà Nguyễn kết hợp lại để tạo nên một con rồng Việt mang rất nhiều cái tâm linh ở trong đó và là một cái biểu tượng của sự uy nghiêm, những nét văn hóa của Việt Nam trong sản phẩm đó."

Thông qua câu chuyện được kể bởi các sản phẩm từ chính tay người khuyết tật, KymViet mong muốn cùng sự chung tay của xã hội để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, hòa nhập và phát triển vì cộng đồng người khuyết tật và người yếu thế.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/uoc-mo-duoc-det-tu-nhung-nguoi-tho-may-dac-biet-223749.htm