Ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định cụ thể hơn về chuẩn mực và trách nhiệm của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Theo Bộ VHTTDL, mục đích ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Quy tắc nhằm khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Bộ VHTTDL quy định quy tắc ứng xử chung của người hoạt động nghệ thuật là đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đồng thời, quy tắc góp phần giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Quy tắc yêu cầu người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không được lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Ảnh tư liệu

Những quy tắc riêng

Trong từng hoạt động và mối quan hệ cụ thể, bộ quy tắc đưa ra những quy tắc riêng. Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật; lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật. Trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, người hoạt động nghệ thuật sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước. Người hoạt động nghệ thuật không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết. Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội khác như hoạt động từ thiện, người hoạt động nghệ thuật phải lan tỏa hình ảnh đẹp, ứng xử có văn hóa đến cộng đồng; công khai, minh bạch kịp thời các hoạt động, xã hội…

Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), quy tắc ứng xử không đưa ra các chế tài xử phạt nhưng sẽ là một “tiêu chí cứng” để các ban ngành và hội nghề nghiệp dựa vào đó để đưa ra các chế định hoặc quy tắc hoạt động nhằm xiết chặt lại văn hóa ứng xử đối với các hội viên là những người tham gia nghệ thuật. Chính vì vậy, khi xây dựng quy tắc ứng xử, Cục Nghệ thuật xác định hướng đến nhân cái đẹp, dẹp cái xấu. Hiện tại, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các hội nghề nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, vận dụng hai bộ quy tắc, trong đó đề cao nguyên tắc trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn, lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ sĩ.

Thùy Trang

2,755

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoa/ung-xu-trong-linh-vuc-nghe-thuat-91780.html