Ứng xử thiếu văn hóa nơi công viên

Trưa nắng, Công viên 30-4 rợp bóng mát trở thành điểm dừng chân, thư giãn khá thú vị. Như thành lệ, buổi trưa ở Công viên 30-4 lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào bởi sự có mặt của hàng chục người, ngồi túm tụm từng nhóm cùng ăn uống, chuyện trò. Tuy nhiên, mọi việc sẽ bình thường nếu rác không bị quẳng xuống mặt đường nội bộ trong công viên và trên các thảm cỏ sau giờ ăn trưa, dù các thùng rác đã được đặt ở đây.

Minh Phương, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV, thường chọn công viên làm nơi gặp gỡ ăn trưa, chuyện trò cùng nhóm bạn, cho biết: “Thực ra, tình trạng xả rác trong công viên hiện nay đã giảm nhiều so với trước đây, nhất là từ khi các thùng rác được để trong công viên. Dù vậy, tôi thấy vẫn còn không ít người thiếu ý thức, sau khi ăn uống xong đã để lại đầy rác”. Chiều mát, tại khu vực Công viên 23-9 rất đông người dân, du khách nước ngoài ngồi nghỉ chân, hóng gió, nhìn ngắm phố phường. Đây cũng là nơi tụ tập những gánh hàng rong, mẹt bánh tráng trộn, xe cá viên chiên, nước uống, quán nhậu… Dạo quanh Công viên 23-9 sẽ thấy có đến hơn 40 gánh hàng, quán cóc bày biện, buôn bán lấn chiếm lề đường, lòng đường, nhếch nhác với rác, nước thải. Hình ảnh chưa đẹp còn được người đi đường nhìn thấy qua kiểu ngồi chồm hổm ăn uống nhồm nhoàm của nhiều bạn nữ, cười nói ồn ào, mở nhạc điếc tai… Một cán bộ hưu trí sống gần công viên bức xúc: “Thành phố đang vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng chỉ nhìn toàn cảnh Công viên 23-9 vào buổi chiều tối sẽ thấy hiệu quả của việc tuyên truyền văn minh đô thị còn hạn chế. Ngay tại trung tâm thành phố lại tồn tại quá lâu cảnh buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường, rác thải khắp nơi”. Một người dân sống khu vực cạnh công viên thông tin thêm, ngoài những nhếch nhác thiếu văn hóa đã nêu, tại công viên còn ẩn chứa một dạng tệ nạn xã hội - nơi một số bà tìm “người tình một đêm” là các chàng tây ba lô da đen. Chừng 23 giờ trở đi, họ xuất hiện khá nhiều và thường chọn công viên làm “sàn giao dịch” hoặc nghỉ chân qua đêm lúc ế khách. Văn minh đô thị thực chất là một điều không xa vời, nó được hiểu cụ thể từ nhiều hành động nhỏ: không xả rác nơi công cộng, lời nói - cách ứng xử văn hóa, không lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đi đúng luật giao thông, giúp đỡ cụ già qua đường, không dẫm lên cỏ, không hái hoa… Nếu mỗi người dân đều ý thức được việc làm của mình ngay trong gia đình, ở chỗ làm việc cũng như ở công viên, nơi công cộng, tức là góp sức để nâng cao chất lượng sống, giữ gìn thành phố xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị. THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2010/9/238404/