Ứng viên Biden đối mặt loạt rào cản khi muốn hàn gắn với đồng minh

Các đồng minh của Mỹ, vốn bị lung lay sau nhiều năm Tổng thống Trump chê bai họ và rút khỏi các hiệp định quốc tế, sẽ theo dõi chặt chẽ Đại hội đảng Dân chủ để biết các tín hiệu về kế hoạch khôi phục mối quan hệ của Joe Biden.

Biden, các cố vấn chiến dịch tranh cử và dự thảo hành động của đảng Dân chủ năm 2020 đã cam kết xây dựng lại các mối quan hệ, đảo ngược hoặc xem xét lại các động thái thời ông Trump như rút quân đội Mỹ khỏi Đức, rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – những hành động bị các đồng minh của Mỹ phản đối.

Không giống như ông Trump bốn năm trước, Biden là một con số đã được giải đối với các đồng minh của Hoa Kỳ. Ông từng giữ chức phó tổng thống và trước đó phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện – những điều phần nào tạo sự yên tâm cho các đối tác của Mỹ.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng sau 4 năm của ông Trump, Biden sẽ không thể đưa mối quan hệ trở lại nguyên trạng trước năm 2016.

Tín hiệu về chiến lược đối ngoại

Mark Simakovsky, một cựu quan chức Lầu Năm Góc thời chính quyền Obama và hiện là một chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: "Các chiến dịch tranh cử luôn được các đồng minh, đối tác và đối thủ của Mỹ theo dõi rất chặt chẽ để tìm ra được tín hiệu nào đó về khả năng chính quyền Mỹ tương lai giải quyết 1 số vấn đề nhất định".

Toàn cầu đang theo dõi sát sao chiến lược tranh cử của ông Biden và ông Trump. Ảnh: Getty.

"Công tắc đèn sẽ chưa thể được bật sang khi Biden nhậm chức, cũng như việc cải thiện cơ bản mối quan hệ chỉ sau một đêm," anh nói thêm. "Đã có những thiệt hại đáng kinh ngạc đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương."

Nhóm tranh cử của ông Biden đã không trả lời yêu cầu bình luận về đề tài này. Nhưng Biden và các cố vấn chiến dịch trước đây đã nói về việc khôi phục mối quan hệ với các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ.

"Ít nhất là đối với tôi, một trong những bi kịch sâu sắc nhất trong vài năm qua là sự chia rẽ giữa các đồng minh và đối tác thân cận nhất, cũng như là sự bao bọc cho những kẻ chuyên quyền trên khắp thế giới," Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch của Biden và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết trong tháng này trong một lần xuất hiện trực tuyến tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Blinken cho biết Biden sẽ làm việc với các đồng minh để "củng cố và kéo dài" thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông cũng cho rằng chính quyền Trump có thể đã hoàn thành mục tiêu của họ là gia hạn lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran nếu vẫn nằm trong thỏa thuận này và vừa thể hiện được một "mặt trận thống nhất với các đồng minh của chúng tôi".

Blinken cũng gọi động thái của ông Trump trong việc kéo hàng nghìn lính Mỹ ra khỏi Đức là "một phần của chuỗi hành động liên tục kéo dài đã làm suy yếu" liên minh NATO. Đối phó với Trung Quốc "từ một vị thế mạnh" cũng đòi hỏi "tái đầu tư vào các liên minh của chúng ta," chuyên gia này nói thêm.

Trong một bài viết trên tờ Foreign Affairs vào đầu năm nay, ông Biden đã viết rằng ông sẽ "thực hiện các bước đi ngay lập tức để đổi mới nền dân chủ và liên minh của Hoa Kỳ" nếu được bầu.

"Với tư cách là tổng thống, tôi sẽ làm nhiều hơn việc chỉ khôi phục quan hệ đối tác lịch sử của chúng tôi; Tôi sẽ dẫn đầu nỗ lực định hình lại điều đó cho thế giới mà chúng ta đang đối mặt ngày nay", Biden viết. "Làm việc một cách hợp tác với các quốc gia khác cùng chia sẻ các giá trị và mục tiêu của chúng tôi không làm cho Hoa Kỳ xấu đi mà nó giúp chúng tôi an toàn hơn và thành công hơn".

Dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ cũng kêu gọi "xây dựng lại các liên minh", nói rằng đảng này "sẽ không chỉ sửa chữa lại các liên minh của chúng tôi mà còn tái tạo chúng để thúc đẩy các ưu tiên chung và đối phó với những thách thức mới".

Không thể trở về trước năm 2016

Michael O'Hanlon, một thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cho biết có những lĩnh vực mà Biden có thể và nên tạo sự khác biệt với Trump.

Biden "chỉ cần nói về các liên minh trong chừng mực mà việc kêu gọi và củng cố chúng có thể giúp ích cho người Mỹ," O'Hanlon thông tin trong một email. "Hai ví dụ cụ thể về nơi mà sự hợp tác/ phối hợp của các đồng minh có thể giúp đỡ cho Biden, cũng chính là vấn đề mà ông Trump đang thất bại, chính là mối quan ngại về các chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên".

Việc Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 đã bị các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ phản đối. Họ đã bác bỏ cái gọi là chiến dịch gây áp lực tối đa của chính quyền Trump đối với Tehran. Gần đây nhất, các đồng minh cũng không đồng tình với những nỗ lực của chính quyền Trump về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vì Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nên không thể còn quyền gì lên tiếng đối với các vấn đề trong thỏa thuận này.

Về Triều Tiên, những nỗ lực của Trump nhằm đảm bảo một thỏa thuận phi hạt nhân hóa đã bị cản trở. O'Hanlon cho biết cơ hội duy nhất để đảm bảo có được một thỏa thuận với Bình Nhưỡng là khi "Seoul và Washington thống nhất trong một tầm nhìn chung".

Nhưng giống như với NATO, ông Trump đã căng thẳng với Hàn Quốc khi yêu cầu tăng đáng kể số tiền Seoul trả cho quân đội Mỹ đóng tại đó.

Simakovsky, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết ông dự kiến Biden sẽ tiếp tục thúc ép các đồng minh tăng tỷ lệ họ chi trả cho quốc phòng.

Sự khác biệt, Simakovsky nói thêm, sẽ là cách tiếp cận của Biden, mà theo ông sẽ liên quan đến "ngoại giao tinh tế" và có sự "nhất quán và chặt chẽ hơn nhiều".

Heather Conley, giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết "dù phó tổng thống thắng cử, họ sẽ không trở lại được như năm 2016. Đồ gốm đã bị vỡ và không có đủ keo siêu dính để gắn nó lại với nhau như cũ. Nó thực sự cần được xây dựng lại và hiện đại hóa cho thế kỷ 21".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ung-vien-biden-doi-mat-loat-rao-can-khi-muon-han-gan-voi-dong-minh-20200817162504509.htm