Ứng phó trước mối đe dọa sóng nhiệt

Một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về tình trạng nắng nóng cực độ diễn ra khi các chuyên gia cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra thảm họa nắng nóng gây tử vong hàng loạt.

Người dân đi bộ trên lòng sông khô cạn ở Trùng Khánh, Trung Quốc, vào tháng 8/2022. Nguồn: EPA.

Sự kiện do Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAid) tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đến rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trong cảnh báo và ứng phó thảm họa.

Sau nhiệt độ kỷ lục năm ngoái, khi một nửa dân số thế giới, tương đương 3,8 tỷ người phải chịu nắng nóng cực độ trong ít nhất 1 ngày, ban tổ chức hy vọng sự kiện này sẽ thúc đẩy các chính phủ chuẩn bị ứng phó với một "kẻ giết người thầm lặng" hiếm khi được chú ý đến, xứng đáng được so sánh với bão, sóng thần và động đất.

Tổng Thư ký IFRC Jagan Chapagain cho rằng, sức nóng cực độ ít gây ấn tượng về mặt thị giác hơn nhiều so với bão hoặc lũ lụt, nhưng đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của nhiều người một cách thầm lặng. “Biến đổi khí hậu đang làm tăng đáng kể khả năng chúng ta sẽ sớm chứng kiến một thảm họa nắng nóng cực độ gây tử vong hàng loạt” - ông Chapagain nói và cho rằng, nắng nóng gây ra đau khổ ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Mỹ, nó gây ra nhiều ca tử vong hơn tất cả các tác động khí hậu khác cộng lại, nhưng điều này thường không được báo cáo vì nó thường ít đột ngột hơn, ít trực quan hơn các sự kiện như bão và quy mô tử vong có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm mới có thể thống kê.

Theo ông Chapagan, những loại thảm họa này đang bắt đầu xuất hiện trên radar của IFRC. Quỹ khẩn cấp ứng phó thiên tai 40 năm tuổi của tổ chức này đã nhận được nhiều lời kêu gọi về các đợt nắng nóng từ năm 2018 đến 2023 từ Triều Tiên, Kyrgyzstan, Tajikistan, Hy Lạp và Bangladesh. Trong thời gian đó, số tiền quỹ cung cấp đã tăng hơn 5 lần.

“Mặc dù số tiền này vẫn còn tương đối nhỏ so với các phản ứng nhân đạo truyền thống đối với thảm họa động đất và lốc xoáy, nhưng rủi ro sóng nhiệt được dự đoán sẽ tăng nhanh trong những thập kỷ tới” - ông Chapagan cho biết.

Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Lancet, số người chết vì các bệnh liên quan đến nhiệt được dự báo sẽ tăng hơn 4 lần vào giữa thế kỷ này nếu nhiệt độ tăng 2 độ C. Một nghiên cứu riêng biệt dự đoán rằng, riêng Trung Quốc đang trên đà chứng kiến khoảng 20.000 - 80.000 ca tử vong do nắng nóng mỗi năm.

Một trong những mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh về nhiệt là cải thiện việc thu thập dữ liệu, hiện đang được thực hiện từng phần, thường sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau giữa các quốc gia.

Năm ngoái, Pháp ước tính có 5.000 ca tử vong liên quan đến nhiệt độ, Đức là 3.000 và Anh là 2.295. Tuy nhiên, các quốc gia đông dân hơn ở châu Á lại báo cáo tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều, mặc dù nhiệt độ cao hơn và đầu tư công vào chăm sóc sức khỏe thấp hơn. Ấn Độ ghi nhận 179 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ, Pakistan 22 trường hợp, Malaysia và Thái Lan mỗi nước có 2 trường hợp.

Một cách tiếp cận lộn xộn đã dẫn đến một số bất thường về mặt thống kê. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 166.000 ca tử vong do nắng nóng từ năm 1998 đến năm 2017, khoảng một nửa trong số đó là ở châu Âu, mặc dù thực tế là châu Âu chiếm chưa đến 1/10 dân số thế giới với một số hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất và tương đối tốt với nhiệt độ trung bình thấp.

Trên thực tế, những người dễ bị tổn thương nhất bởi nhiệt độ sống ở những nước nghèo hơn, nóng hơn. Có nguy cơ cao nhất là người già, người bệnh và những người làm việc ngoài trời hoặc sống trong những ngôi nhà thông gió kém, không có điều hòa.

Nhiều thành phố đang nổi lên về các biện pháp ứng phó với nắng nóng. Thủ đô Freetown của Sierra Leone là một trong những người tiên phong. Thị trưởng thành phố, bà Yvonne Aki-Sawyerr đã bổ nhiệm một nhân viên nhiệt lực để soạn thảo và quản lý một kế hoạch hành động. Công việc này bao gồm lập bản đồ nhiệt thành phố để xác định các khu vực có nguy cơ cao nhất, gửi dự báo nhiệt độ bởi các nhóm WhatsApp, lắp đặt các mái che nắng tại các khu chợ ngoài trời và tạo ra 24 “hành lang mát mẻ” vào năm 2030 thông qua chiến dịch trồng cây.

Thành phố cũng đang tổ chức một chương trình thí điểm tại các khu ổ chuột nơi 45% dân số sinh sống, phủ những mái tôn bằng một tấm phim tráng gương có thể phản chiếu năng lượng mặt trời ra khỏi tòa nhà bên dưới. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy, điều này có thể làm giảm nhiệt độ bên trong tới 6 độ C.

Công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Những tấm che ở chợ đã bị xé toạc trong những cơn bão dữ dội và phải được thay thế bằng vật liệu bền hơn. Việc tài trợ cũng gặp khó khăn, nhưng bà Aki-Sawyerr cho biết, người dân rất vui khi được bảo vệ nhiều hơn khỏi nắng nóng. “Chúng ta phải đổi mới, bởi nhiều điều trong số này chưa từng được thực hiện trước đây” - bà Aki-Sawyerr nói.

Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ ở các quốc gia cũng đang nỗ lực nhiều hơn để chuẩn bị cho đợt nắng nóng. Ở Nepal, nơi nhiệt độ ở vùng đất thấp phía Nam thường vượt quá 45 độ C và độ ẩm có thể cao, các tình nguyện viên đang khuyến khích các nhà khí tượng học cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, các chính quyền thành phố tạo ra “nơi trú ẩn mát mẻ” ở những khu vực nóng nhất và các bệnh viện để chuẩn bị cho những tác động đến sức khỏe trong điều kiện thời tiết nhiệt độ cao.

Theo ông Jagan Chapagain, trong tương lai, IFRC đặt mục tiêu triển khai các bộ dụng cụ ứng phó thảm họa sóng nhiệt, kế hoạch phòng ngừa và hướng dẫn ứng phó nhanh như những hướng dẫn hiện có đối với các thảm họa khác. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng, sự chuẩn bị sẽ được cải thiện và cho rằng, với sự dự đoán và hành động đúng đắn, những tình huống tồi tệ nhất có thể vẫn chỉ nằm trong trí tưởng tượng.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-pho-truoc-moi-de-doa-song-nhiet-10276455.html