Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển công nghiệp dược liệu

Nghiên cứu chuyên sâu bài bản các bài thuốc, vị thuốc, cây thuốc y học cổ truyền, phân tích thành phần hoạt chất, tác dụng của chúng… giúp gia tăng giá trị cho cây dược liệu trong nước.

Bảo tồn dược liệu bằng khoa học công nghệ

Từ xa xưa, tri thức khoa học công nghệ đã được ông cha ta nghiên cứu và ứng dụng trong các bài thuốc dân gian của các lương y như Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Các tri thức từ bao đời cha ông truyền miệng lại được dần dần đúc kết thành hệ thống gắn liền với thực tiễn và ghi thành tài liệu sử dụng trong đào tạo tại các trường đại học: "Nam dược thần hiệu" có 580 vị thuốc, 3873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh thuộc 10 khoa lâm sàng; "Cây thuốc Việt Nam" của Lê Trần Đức; "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Đỗ Tất Lợi; "Từ điển cây thuốc" của Võ Văn Chi, "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam do nhóm tác giả Viện Dược liệu biên soạn.

Sự phát triển của phương pháp luận khoa học cùng với sự ra đời của nhiều công nghệ mới đã giúp con người làm sáng tỏ và phát triển các kinh nghiệm dân gian trong các bài thuốc y học cổ truyền. Khoa học công nghệ đã giúp con người hiểu rõ hơn về thành phần hóa học các dược chất trong dược liệu, cơ chế tác dụng, sinh khả dụng, độc tính và tương tác giữa các dược chất với cơ thể con người.

Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn tài nguyên dược liệu bền vững.

Các công nghệ mới như công nghệ sinh học được áp dụng trong việc xác định, bảo tồn nguồn gen dược liệu; công nghệ trồng trọt, thu hái và sơ chế dược liệu; công nghệ chiết xuất và tinh chế dược liệu; công nghệ ứng dụng trong đánh giá chất lượng, chuẩn hóa dược liệu và dược chất; công nghệ bào chế các sản phẩm từ dược liệu với những tính năng và tác dụng y học nổi trội như công nghệ nano, công nghệ bào chế thuốc hướng đích…

Công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc đã được nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế tham gia thực hiện trong suốt hơn 30 năm qua. Hiện nay, Viện Dược liệu, Bộ Y tế là đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc. Đến nay, Viện đã xây dựng được hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc tại các vùng sinh thái khác nhau.

Mỗi năm, thông qua công tác điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu thu thập bổ sung hàng trăm nguồn gen đưa về trồng bảo tồn tại các vườn bảo tồn. Trong đó, thu thập được một số loài, nhóm loài theo tập đoàn phục vụ công tác chọn, tạo giống như: sả, bạc hà, nghệ, đinh lăng, kim ngân, gấc, ba kích, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, trinh nữ hoàng cung... Đáng chú ý, có một số loài, nhóm loài thuộc diện quý hiếm có tên trong sách đỏ cũng đã được thu thập, bổ sung, ưu tiên bảo tồn như: bảy lá một hoa, ngũ vị tử hoa đỏ, ba gạc lá to, lan kim tuyến, ngân đằng, các loài thuộc chi Panax L…

Tính đến tháng 12/2021, hệ thống năm vườn bảo tồn của Viện Dược liệu đang bảo tồn và lưu giữ 1.180 nguồn gen cây thuốc, trong đó có 66 loài cây thuốc thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây là những nguồn vật liệu quan trọng cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khai thác và phát triển nguồn gen, tạo nhiều giống dược liệu quý, có năng suất và chất lượng cao.

Công tác bảo tồn nguồn gen tại chỗ ở các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên cũng đã được triển khai, với việc bảo tồn tại chỗ hàng trăm loài cây thuốc, trong đó tập trung các loài đặc hữu, quý, hiếm của các địa phương, có giá trị y tế và kinh tế. Ngoài ra, bảo tồn nguồn gen còn được thực hiện ở trên trang trại và trong cộng đồng.

Cần sự vào cuộc của các bộ ngành

Để ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào phát triển dược liệu đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các thành phần tham gia vào quá trình phát triển dược liệu bao gồm hệ thống văn bản, chính sách từ trung ương, các bộ ngành đến các địa phương; việc cụ thể hóa các văn bản pháp lý thông qua triển khai các chương trình khoa học công nghệ; sự tham gia của các doanh nghiệp, người nông dân, các nhà khoa học để nghiên cứu, ứng dụng tri thức khoa học công nghệ vào quá trình phát triển dược liệu Việt Nam.

Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú với hơn năm ngàn loài được ghi nhận có công dụng làm thuốc với nhiều loại dược liệu quý có giá trị cao như Sâm ngọc linh, Ba kích, Ngân đằng…Trong quá trình phát triển ngành dược liệu, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng từ tri thức dân gian trong các bài thuốc y học cổ truyền đến những công nghệ mới đã và đang được nghiên cứu và áp dụng từ giai đoạn xác định, bảo tồn nguồn gen dược liệu, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, đánh giá chất lượng, chiết xuất, đánh giá hoạt tính và bào chế các sản phẩm thuốc từ dược liệu.

Khoa học công nghệ đã góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết của con người về hệ sinh thái dược liệu, những giá trị y học của dược liệu. Đặc biệt, những công nghệ mới hiện nay đã góp phần tạo ra những giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng tốt, các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến góp phần làm tăng giá trị y học và giá trị kinh tế cho dược liệu. Mặc dù chính phủ, các bộ ngành địa phương đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển dược liệu. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà khoa học, người nông dân, nhà sản xuất và nhà nước đã được thực hiện và thu được nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện. Cần tiếp tục triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu bảo tồn nguồn gen dược liệu trong nước. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin về nguồn gen quốc gia đầy đủ, thống nhất đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn thông tin đối với các tổ chức cá nhân tham gia vào phát triển dược liệu Việt Nam.

Đầu tư nghiên cứu khoa học về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dược liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu, quản lý các yếu tố đầu vào (hệ thống phần mềm đánh giá chất lượng) đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc (bằng hệ thống máy cảm biến và máy tính chủ trung tâm), khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin dữ liệu lớn (big data).

Tiếp tục nghiên cứu đánh giá giá trị y học của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển dược liệu và có nhiều điều kiện tương tự như Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan…Khai thác hiệu quả các hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh trong trồng trọt, chế biến dược liệu và bào chế các loại thuốc từ dược liệu.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien-cong-nghiep-duoc-lieu-169231102153430726.htm