Công bố Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Việc triển khai thành công Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ và kịp thời những số liệu KTTV tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng trống số liệu, vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, khu vực ven biển, đảo…

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: BL)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: BL)

Chiều 17/5, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị cống bố Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí La Đức Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Ngày 08/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 289/QĐ-TTg).

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những điểm mới so với Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đó là: Thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm theo yếu tố quan trắc (không quy hoạch theo hạng trạm như trước đây), để hướng tới mô hình mạng lưới trạm có mật độ quan trắc hợp lý (không thừa, không thiếu), theo định hướng công nghệ quan trắc tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao; Quy hoạch ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được công bố, các khuyến cáo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) về mật độ trạm; các kết quả nghiên cứu các mô hình mạng lưới trạm tiên tiến trên thế giới và điều kiện tình hình thực tiễn để tính toán xác định mật độ và vị trí đặt trạm trong quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tiết kiệm và hiệu quả; Quy hoạch đã thực hiện phân loại trạm khí tượng, thủy văn, hải văn thành trạm cơ bản - quan trắc đầy đủ các yếu tố, có quan trắc viên và trạm phổ thông - quan trắc một số yếu tố và định hướng là trạm tự động hoàn toàn, không có quan trắc viên; Quy hoạch yêu cầu tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm phổ thông theo hướng tự động hóa 100% nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình tự động hóa mạng lưới quan trắc; Có sự ưu tiên, tập trung rõ rệt trong việc quy hoạch mạng lưới trạm cho các vùng trống số liệu vùng thường xuyên chịu tác động và rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, mật độ bình quân trên toàn mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á; tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, mực nước, mưa và đạt tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng. Tầm nhìn đến năm 2050, mật độ trạm KTTV tự động ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới với tổng số trạm KTTV đạt 5.886 trạm. Chuyển đổi hầu hết các trạm KTTV truyền thống sang tự động hoàn toàn theo mô hình mạng lưới trạm KTTV hiện đại của các nước phát triển. Kết quả thực hiện Quy hoạch cũng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn của ngành KTTV với sự nghiệp phát triển đất nước.

 Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BL)

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BL)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho biết: Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quy định và trình tự của Luật Quy hoạch, Luật KTTV, Luật Phòng, Chống thiên tai 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Theo đó, Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và kế thừa Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, Quy hoạch đã bám sát theo nhu cầu thực tiễn nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, bất cập của mạng lưới trạm KTTV trong giai đoạn vừa qua.

Các nội dung Quy hoạch được dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài. Quy hoạch cũng được xây dựng gắn liền với yêu cầu nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch, Bộ TN&MT đã luôn nhận được sự quan tâm phối hợp tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của các đơn vị, bộ, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia sâu trong lĩnh vực KTTV và BĐKH.

Theo Thứ trưởng, để thực hiện thành công Quy hoạch, Bộ TN&MT kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTTV tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV của Đảng và Nhà nước.

Thứ trưởng mong muốn, với sự tham gia, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước những năm tới và trong tương lai./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cong-bo-quy-hoach-mang-luoi-tram-khi-tuong-thuy-van-quoc-gia-665289.html