Ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, quảng bá về di sản văn hóa

Với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, truyền thông về văn hóa, di sản thời gian qua đã tạo cho du lịch Hưng Yên có bước khởi sắc.

Hưng Yên là tỉnh thuộc trung tâm đồng bằng sông Hồng, là địa phương còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của tỉnh, có nhiều tiềm năng thu hút, phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi lớn.

Những năm gần đây, Hưng Yên đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác quảng bá hình ảnh du lịch, thực hiện ứng dụng CNTT trong truyền thông hình ảnh di sản văn hóa của tỉnh.

Có thể kể đến như: Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 phê duyệt Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 04/3/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trên địa bàn đã thực hiện đăng, tải nhiều tin, bài quảng bá du lịch tỉnh Hưng Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh việc sử dụng các loại hình, sản phẩm báo chí và mang tính chất báo chí truyền thống (báo in, bản tin, đặc san….), Hưng Yên cũng triển khai các kênh tuyên truyền sử dụng internet.

Báo Hưng Yên điện tử với 02 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh, Trang thông tin điện tử của Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, cùng với 03 Cổng/Trang Thông tin điện tử thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh, trong đó có nội dung truyền thông về di sản văn hóa (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên; Trang Thông tin điện tử Đối ngoại Hưng Yên; cổng thông tin điện tử du lịch Hưng Yên) đã trở thành những kênh thông tin quan trọng, góp phần quảng bá di sản văn hóa của tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông mới cũng được các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh sử dụng như một phương tiện quảng bá hiệu quả, đưa hình ảnh di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên trở nên hấp dẫn, thân thiện.

Một số đơn vị như Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên xây dựng Fanpage trên Facebook “Tin tức Hưng Yên 24/7 - HYTV” và trên kênh Youtube “Truyền hình Hưng Yên - HYTV”; Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Hưng Yên xây dựng Fanpage Facebook: Hung Yen Tourism, Zalo.OA: Trung tâm TTXT Du lịch Hưng Yên và app mobile: Du lịch Hưng Yên để quáng bá về tỉnh Hưng Yên nói chung và văn hóa, di sản tỉnh nói riêng đến đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Ngoài các sản phẩm báo chí tỉnh, tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các báo, tạp chí đối ngoại và đơn vị truyền thông sản xuất nhiều tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền, quảng bá về tỉnh ra thế giới qua các kênh truyền hình Trung ương, các kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại như VTV1, VTV2, VTC10, VTV4, VOV5; Báo Vietnam Economics News, Báo Thế giới và Việt Nam, Báo Công thương, Tạp chí Heritage, Tạp chí tiếng Anh “Time out” và “The Guide”, Báo Nhân Dân, Báo Đầu tư; các sản phẩm báo chí của Thông tấn xã Việt Nam;... Nhiều sản phẩm báo chí, phóng sự, chương trình truyền hình đã được sản xuất như: chương trình ”Phố Hiến trong tôi”; phim tài liệu, phóng sự truyền hình ”Đền Đậu An”, ”Ấn tượng lễ hội Hưng Yên”, ”Khám phá các làng nghề tại Hưng Yên”; phóng sự phát thanh: Chùa Nôm - Nơi lưu giữ hồn Việt, Ca trù trên đất Hưng Yên,... đã góp phần đưa một phần lịch sử, văn hóa của Hưng Yên đến với người dân trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh di sản, văn hóa tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên còn chú trọng thực hiện số hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hưng Yên là tỉnh có số lượng di tích lớn, do vậy, công tác số hóa các di tích đang được tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện.

Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai số hóa một số di tích – cụm di tích tiêu biểu như: di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, di tích Cây đa và đền La Tiến, huyện Phù Cừ; cụm di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (16 di tích thành phần); di tích lịch sử xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ...

Ngoài việc số hóa di tích, hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang triển khai việc áp dụng công nghệ 3D, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường để tạo hình ảnh, mô hình vật thể một cách chân thực kèm theo thuyết minh bằng lời một số hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh như: Trống đồng Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động), quan tài cổ Ân Thi (thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi) thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Bình gốm có niên đại khoảng thế kỷ XVII… và các hiện vật là Bảo vật quốc gia của tỉnh Hưng Yên gồm: Bệ tượng Phật đá hoa sen chùa Hương Lãng (xã Minh Hải, huyện Văn Lâm), Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang)…

Tất cả các hiện vật sau khi được số hóa đã được tích hợp lên website của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Hiện website của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên đang được nâng cấp để đảm bảo người dân có thể tham quan ảo các tư liệu đã được số hóa với hình ảnh, âm thanh chất lượng. Đây là cách tiếp cận mới, độc đáo hơn cách trưng bày truyền thống, góp phần thu hút đông đảo Nhân dân tham quan, trải nghiệm.

Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT cũng được triển khai nhằm lưu giữ hình ảnh các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, từ đó thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu các làng nghề. Công tác số hóa tư liệu tại các làng nghề hiện đã và đang được thực hiện tại một số nơi như: làng nghề mây tre đan (Liên Khê, Khoái Châu), nghề nấu rượu (Ngọc Thanh, Kim Động), làng nghề làm trống (Liêu Xá, Yên Mỹ)....

Việc số hóa các di tích, hiện vật, làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay được coi như một giải pháp du lịch thông minh, góp phần gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn thông tin di tích bằng hình ảnh và thuyết minh, hỗ trợ hiệu quả cho công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch biết đến di tích từ bất kỳ nơi đâu có mạng internet, để du khách có những trải nghiệm sinh động, từ đó, thu hút Nhân dân đến tham quan, tìm hiểu.

Với việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quảng bá, truyền thông về văn hóa, di sản thời gian qua, mặc dù hiện nay đang trong giai đoạn triển khai, nhưng cũng đã tạo cho du lịch Hưng Yên có bước khởi sắc. Nhiều lễ hội đã được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, tạp chí; đài phát thanh, đài truyền hình (trong các bản tin thời sự, phóng sự, phim tài liệu)…

Thậm chí, một số lễ hội còn được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube… Một số di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách thập phương như: Khu di tích Phố Hiến; khu di tích Đa Hòa-Dạ Trạch; di tích đền An Xá (Đậu An); di tích đền Phù Ủng (Ân Thi); di tích chùa Nôm, làng Nôm (Văn Lâm)… Điều đó cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành du lịch Hưng Yên trong việc quảng bá hình ảnh di sản văn hóa.

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong quảng bá di sản văn hóa của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc sử dụng mạng xã hội tuy đã được triển khai nhưng chưa thật sự được quan tâm chú trọng; chưa có sự hợp tác truyền thông với các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài trong việc quảng bá di sản của tỉnh đến với du khách nước ngoài...

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả cho công tác quảng bá hình ảnh du lịch Hưng Yên, thời gian tới, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quảng bá di sản văn hóa thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông mới như báo điện tử, mạng xã hội; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương; thực hiện hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên.

Thực hiện số hóa các di tích, hiện vật, làng nghề trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh; thúc đẩy, đưa công nghệ số trong trưng bày, giới thiệu các hiện vật, cổ vật có giá trị được lưu giữ trong bảo tàng... Qua những cách làm đó, góp phần giúp du lịch của địa phương “chuyển mình”, tạo sức hấp dẫn du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Theo Ngọc Anh (Báo Hưng Yên)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-truyen-thong-quang-ba-ve-di-san-van-hoa-2205557.html