Ứng dụng công nghệ mới, nâng giá trị sản phẩm OCOP ở Bắc Giang

Để chuẩn bị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, các chủ thể đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, bao bì sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng đầu ra.

Chú trọng chất lượng, mẫu mã

Mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 song năm nay, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan (Việt Yên) đã có hai sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Trong đó, sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo tham gia đợt 1 và nấm Vân chi tham gia đợt 2. Được biết, để tối ưu giá trị, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi cấy các sản phẩm trên được HTX thực hiện với các trang thiết bị hiện đại như: Điều hòa, máy sấy... và ứng dụng phương pháp nuôi cấy bằng nước kiềm nhằm bổ sung khoáng chất cho nấm.

Công nhân HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca chăm sóc nấm Đông trùng hạ thảo.

Theo lãnh đạo HTX, nếu những ngày đầu mới đi vào hoạt động, nước kiềm chỉ được sử dụng trong nuôi cấy thì nay đã được ứng dụng trong tạo ẩm tại tất cả các phòng.

Chị Ngô Thị Thơm, Giám đốc HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca nói: “Cùng với hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đối với sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo, chúng tôi đang đầu tư xây dựng 12 phòng lạnh để nuôi cấy nấm Vân chi với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Khi hoàn thành, toàn bộ quy trình nuôi từ trộn hợp chất nguyên liệu đến vào giống và cấy giống sẽ được tự động hóa thông qua 3 rô bốt”.

Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 25-30 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (mỗi huyện, TP có ít nhất 2-3 sản phẩm), đồng thời xây dựng, phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu, cùng với hỗ trợ của các địa phương trong lập hồ sơ dự thi, các chủ thể quan tâm đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng như công nghệ.

Ví như để đưa sản phẩm tinh bột nghệ Curcumin Thùy Dương tham gia đánh giá, phân hạng trong đợt 1, HTX Nông sản sạch Thùy Dương, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) vừa đầu tư hơn 80 triệu đồng lắp đặt dây chuyền sấy khép kín, tự động. Nhờ đó sản phẩm làm ra giữ nguyên chất lượng, màu sắc tự nhiên.

Tương tự, để đưa sản phẩm dưa leo dự thi đợt này, HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường, xã Tự Lạn (Việt Yên) cũng vừa đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt thay cho tưới bơm rãnh tại khu trồng dưa leo, đồng thời sử dụng 100% phân bón hữu cơ trong quá trình chăm sóc. Hay như HTX Nông nghiệp Quyên Phong, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) thay đổi bao bì sản phẩm Ổi lê Tân Yên từ 3 sóng lên 6 sóng, đồng thời lắp đặt máy sục ô-zôn.

Chị Đỗ Thị Quyên, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyên Phong cho biết: “Năm nay, chúng tôi đăng ký nâng từ 3 sao lên 4 sao đối với sản phẩm Ổi lê Tân Yên. Việc thay đổi bao bì không chỉ bắt mắt hơn mà còn giúp sản phẩm được bảo quản tốt hơn trong quá trình vận chuyển. Với hệ thống máy sục ô-zôn, ổi sạch sẽ càng sạch, an toàn hơn”.

Đồng hành cùng các chủ thể

Thực tế, với 155 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 36 sản phẩm đạt 4 sao đã đưa Bắc Giang trở thành tỉnh đứng thứ 2 khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, qua đánh giá, số sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, phần lớn là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.

Đến nay, Bắc Giang có 155 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 36 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (mỗi huyện, TP có ít nhất 2-3 sản phẩm), đồng thời xây dựng, phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Không chỉ có vậy, bao bì, tem nhãn dù đã được quan tâm song chưa thật sự nổi bật, nội dung còn chưa đầy đủ, tem nhãn truy xuất chưa được cập nhật thông tin, thiết kế đơn giản, chưa quan tâm nhiều đến tính tiện ích trong sử dụng của sản phẩm. Khắc phục những vấn đề này, năm nay, nhiều địa phương có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể “nâng tầm” sản phẩm.

Ví như UBND huyện Việt Yên yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT cử một lãnh đạo phòng trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ tem nhãn, bao bì cũng như quảng bá sản phẩm.

Hay như UBND huyện Sơn Động hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên với các mức: 100 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 130 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao và 200 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.

Cùng đó, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể đăng ký chương trình OCOP thực hiện kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm; tư vấn lập hồ sơ công bố sản phẩm; thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch cũng như xây dựng câu chuyện về sản phẩm.

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động nói: “Chúng tôi đưa ra cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư để nâng chất lượng sản phẩm, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương".

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, các huyện, TP đăng ký 76 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và nâng sao cho 12 sản phẩm khác. Để hỗ trợ các chủ thể, cùng với sự vào cuộc của các địa phương, Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) chủ động kết nối, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện quy trình sản xuất, bổ sung các tiêu chí thiếu, chưa đạt.

Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: “Mặc dù số lượng đăng ký lớn nhưng qua nắm bắt các sản phẩm tham gia đánh giá tới đây đều đáp ứng tốt các yêu cầu. Để nâng chất sản phẩm OCOP, năm nay, ngành cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, đặc biệt là quan tâm đến việc tiêu thụ cũng như khả năng mở rộng sản xuất của các chủ thể”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/384173/ung-dung-cong-nghe-moi-nang-gia-tri-san-pham-ocop-o-bac-giang.html