Ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, ứng dụng công nghệ cao trở thành một trong những giải pháp về khoa học - công nghệ, đưa kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nông nghiệp tại Lào Cai cũng ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị cho cây trồng, vật nuôi. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hơn 3.000 ha. Các loại cây trồng được ứng dụng trong sản xuất khá phong phú, trong đó có 710 ha rau, 200 ha hoa, 315 ha dược liệu, 550 ha cây ăn quả ôn đới, 1.215 ha chè, 370 ha dâu tằm. Các công nghệ được ứng dụng là công nghệ nhà lưới, nhà kính, vật liệu mới; công nghệ làm đất, thủy canh, khí canh; công nghệ tưới; công nghệ sau thu hoạch; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản và dịch vụ thương mại; nhân giống in vitro (micropropagation) trong công nghệ giống; sản xuất rau hữu cơ... Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng giá trị sản phẩm đạt bình quân hơn 260 triệu đồng/ha/năm, gấp 3 lần so với sản xuất thông thường. Có nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoạt động hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như Hợp tác xã rau, quả Thắng Lợi; Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình…

Công nghệ nhà màng được nhiều cơ sở sản xuất áp dụng.

Công nghệ nhà màng được nhiều cơ sở sản xuất áp dụng.

Người dân Lào Cai cũng linh hoạt ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất với hơn 10.000 ha. Điển hình như hơn 4.000 ha cánh đồng 1 giống/vụ đối với lúa; 3.800 ha chuối chuyên canh, 1.200 ha dứa hàng hóa; 530 ha cây ăn quả ôn đới và 450 ha chè. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã giúp nâng cao sản lượng các loại cây trồng, tăng giá trị thu nhập cho người dân.

Gia đình ông Lê Quang Bảo, thôn Hốc Đá, xã Quân Quang (Bảo Thắng) có hơn 50 gốc cam, bưởi. Gia đình ông còn nuôi lợn, gà; toàn bộ chất thải được xử lý qua các bể biogas, tạo chất đốt cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nước thải sau biogas là “tài nguyên” quý nếu được khai thác, tận dụng hợp lý. Bởi vậy, gia đình ông đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng chính nguồn nước thải sau chăn nuôi đã được xử lý để tưới cho cây ăn quả. Ông Bảo cho biết: Nước thải được xử lý với các chế phẩm vi sinh, hệ thống bể lắng, lọc, tích trữ tại 1 bể lớn. Bể này được kết nối với các ống dẫn, chia thành các van nhỏ đến từng gốc để tưới nhỏ giọt cho cam, bưởi. Tôi chỉ cần mở van tổng là toàn bộ cây trồng được tưới tự động. Ngoài ra, việc tận dụng nước thải sau biogas cũng giúp gia đình tiết kiệm lượng lớn phân bón hóa học, giảm chi phí đầu tư cho cây trồng.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng, huyện Bắc Hà. Các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong các khâu: Sử dụng các giống vật nuôi mới lai tạo có năng suất, chất lượng cao; hệ thống chuồng kín, đầu tư các trang - thiết bị, công nghệ hiện đại như máng ăn bán tự động, tấm làm mát điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, hệ thống quạt; hệ thống nước thải được xử lý qua hầm biogas; sử dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn và xử lý chất thải; thực hiện chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh theo quy trình VietGAP.

Khu vực trồng dâu tây của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình (Bắc Hà).

Khu vực trồng dâu tây của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình (Bắc Hà).

Công nghệ cao cũng được ứng dụng trong nghiên cứu, nuôi thủy sản, đặc biệt trong chọn tạo giống và nuôi thủy sản nước lạnh. Đến nay, có 10 tổ chức, cá nhân đang ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thủy sản nước lạnh với quy mô hơn 10.000 m3. Đối tượng nuôi gồm cá hồi, cá tầm với phương thức nuôi thâm canh tại các địa phương có khí hậu đặc thù như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà. Các cơ sở nuôi đã áp dụng công nghệ, kỹ thuật về giống chất lượng cao có nguồn gốc, xuất xứ từ các cơ sở uy tín, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, các bể nuôi có mái che bằng tôn hoặc lưới đen và có máy sục khí, hệ thống bể được thiết kế để tạo dòng chảy trong sản xuất; công nghệ chế biến như hun khói, phi lê, chế biến ruốc...

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng bước đầu tiếp cận với công nghệ cao khi ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Ngoài ra, việc tích hợp sử dụng máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet với phần mềm cảnh báo cháy rừng giúp hiển thị bản tin cảnh báo cháy rừng từng ngày theo từng khu vực và hiển thị bản đồ cảnh báo cháy rừng nhanh, kịp thời, chính xác.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Công nghệ cao giúp người nông dân, doanh nghiệp khai thác tốt hơn thế mạnh của địa phương, tạo môi trường phù hợp cho cây trồng, vật nuôi phát triển, tránh các điều kiện không thuận lợi.

Ông Phong lấy ví dụ rau trồng tại Sa Pa. Khí hậu tại Sa Pa rất thuận lợi cho các loại rau ưa mát phát triển, có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng giảm được chi phí về nhân công lao động, giảm vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), năng suất, chất lượng rau cũng được nâng cao, giá bán thường cao hơn sản phẩm đại trà, giá trị kinh tế cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư trong sản xuất công nghệ cao không phải nhỏ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cần có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về công nghệ cao, có phương án đầu tư, lựa chọn công nghệ áp dụng phù hợp điều kiện khí hậu đặc thù. “Không thể coi công nghệ cao là phương án chống lại điều kiện tự nhiên sẵn có, mà nên coi đó là một giải pháp về khoa học, công nghệ góp phần biến những thế mạnh trở nên mạnh hơn, khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế để tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp” - ông Phong nói.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355938-ung-dung-cong-nghe-cao-de-tang-gia-tri-san-xuat-nong-nghiep