Ukraine 'sốc' khi phát hiện thứ này trong UAV tự sát Lancet của Nga

Quân đội Ukraine đã tháo dỡ phần còn lại của loại UAV tự sát Lancet nổi tiếng của Nga và phát hiện điều khó tin, nhiều con chip trong UAV này đến từ Mỹ.

Khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục nóng lên, hai bên đều dồn lực vào cuộc chiến mang tính chất “tổng lực”. Cả Ukraine, Mỹ và phương Tây đều biết rằng, nếu Kiev không có sự hỗ trợ, Nga có thể tiến hành một cuộc tổng tấn công vào mùa xuân năm 2024 và kết thúc hoàn toàn cuộc chiến này.

Không giống như Ukraine đang thiếu đạn pháo, UAV và tên lửa hành trình của Nga ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn, độ chính xác của pháo và tên lửa cũng được cải thiện rất nhiều. Điều này khiến Ukraine nghi ngờ, Nga lấy linh kiện điện tử ở đâu?

UAV tự sát Lancet được Quân đội Nga sử dụng thường xuyên trên chiến trường Ukraine, hiệu quả rất ấn tượng, Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên công bố các video UAV Lancet tiêu diệt mục tiêu như xe bọc thép, trận địa pháo của Ukraine và có thể khẳng định, đây là vũ khí “sát thủ” của Quân đội Nga.

Cách đây vài ngày, Ukraine đã tháo dỡ đống đổ nát của một chiếc UAV Lancet và phát hiện có điều gì đó không ổn. Điều khiến Ukraine sốc là họ phát hiện trong UAV Lancet, có sử dụng chip trí tuệ nhân tạo của công ty Nvidia của Mỹ và chip xử lý tự động của Xilinx.

Thông tin này khiến Ukraine không thể ngồi yên; khi sự việc diễn ra, thì các chuyên gia NATO cũng tiến hành những nghiên cứu tương tự, khi họ được Ukraine cung cấp một lượng lớn vũ khí của Nga từ chiến trường để nghiên cứu.

Các chuyên gia NATO khi mổ xẻ vũ khí Nga cũng phát hiện thấy nhiều linh kiện điện tử của những vũ khí này được sản xuất ở nước ngoài; chủ yếu đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản và các nước phương Tây khác.

Tại sao vũ khí của Quân đội Nga lại sử dụng nhiều linh kiện của phương Tây như vậy? Nguyên nhân sâu xa là do lịch sử để lại, sau khi Liên Xô tan rã, ngành công nghiệp linh kiện điện tử có độ chính xác cao của Nga đã lao dốc, do không có sự đầu tư lớn như dưới thời Liên Xô.

Lúc này do mối quan hệ giữa Nga và phương Tây được cải thiện, nên các linh kiện điện tử cho máy bay chiến đấu, pháo binh và tên lửa của Quân đội Nga đều nhập khẩu từ phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan với giá rẻ.

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga, khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga đứng trước thách thức nặng nề trong việc sản xuất hàng loạt một số vũ khí hiện đại trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm ngoái, tình trạng thiếu linh kiện điện tử có độ chính xác cao của Nga đã được cải thiện đáng kể; các loại UAV, tên lửa và vũ khí dẫn đường của Nga xuất hiện trên chiến trường với tần suất ngày càng tăng. Nguyên nhân chính của vấn đề này liên quan nhiều đến chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây đã cố gắng hết sức để ngăn chặn Nga tiếp cận các nguồn cung cấp linh kiện điện tử, bằng các lệnh trừng phạt đối với Nga và cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận chip của nước này. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, các lệnh trừng phạt này không hoàn toàn hiệu quả.

Các linh kiện điện tử đến Nga thông qua nhiều kênh khác nhau, điều này đã giúp Nga bảo đảm nguồn cung ổn định các linh kiện điện tử và chip cần thiết cho vũ khí dẫn đường chính xác của họ.

Được biết, sau khi NATO tháo dỡ 27 loại vũ khí của Nga, Viện nghiên cứu quân sự chung của Anh cho rằng, có ít nhất 450 linh kiện điện tử trong những vũ khí này đến từ các công ty Mỹ, châu Âu và châu Á.

Về cơ bản, những linh kiện điện tử sử dụng trong vũ khí của Nga được sử dụng cả trong các sản phẩm dân dụng và có thể dễ dàng sử dụng được trong các thiết bị quân sự.

Để lách luật trừng phạt của phương Tây, Nga đã thành lập nhiều công ty vỏ bọc ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông, mua các sản phẩm dân sự từ các kênh này rồi sử dụng chúng trong lĩnh vực quân sự. Loại hành vi kinh doanh này là hợp pháp, cho dù Mỹ và phương Tây có biết cũng khó có thể ngăn cản.

Ngoài ra, chính Nga cũng có năng lực sản xuất chip nhất định, tuy mức độ xử lý không cao, nhưng chỉ cần có đủ linh kiện điện tử thì vẫn có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất vũ khí.

Ngoài ra, Nga cũng đã triển khai hợp tác quân sự với Ấn Độ và các nước khác để phát triển vũ khí có độ chính xác cao, cho phép nước này liên tục có đủ nguồn cung tên lửa. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây tự hào đều không có sức mạnh như vậy. Ảnh: c.m.163.com; Reuters, CNN, Sputnik).

UAV Lancet-3 của Nga tiêu diệt hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đầu tiên của Ukraine. Nguồn: Twitter: “Ukraine Weapons Tracker”.

Tiến Minh (Theo Reuters, Sputnik)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-soc-khi-phat-hien-thu-nay-trong-uav-tu-sat-lancet-cua-nga-1952624.html