UBND phường Định Công không thể xử lý?

(PL&XH) - Từ cầu Lủ rẽ sang ngõ 2, phố Định Công Thượng là "chợ" tự phát hoạt động suốt ngày đêm. Những hàng bán quần áo dựng cả lều lán, bên cạnh là một chiếc xe tải BKS 29M-4645 lúc nào cũng đầy ắp dưa hấu và củ đậu...

Nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng 0915544455 báo PL&XH phản ánh: "Tuyến phố Định Công Thượng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, không chỉ do tuyến phố nhỏ và mật độ tham gia giao thông cao mà còn do một phần lòng đường của tuyến phố này đang bị người dân lấn chiếm làm nơi bán hàng.

Phố Định Công Thượng nối từ cầu Lủ sang phố Định Công Hạ là một tuyến phố hẹp nhưng thường xuyên có lượng người và mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Cũng bởi tuyến phố là nơi giao nhau giữa 3 phường Định Công; Kim Giang, quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân nên thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Đường hẹp, người đông gây ra ách tắc đã đành, nhưng một phần lòng đường của tuyến phố bị người dân lấn chiếm làm nơi bán hàng, tạo thành "vật cản", là "thủ phạm" gây ách tắc giao thông. Từ cầu Lủ đến Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, một bên dày đặc những quán cóc, một bên là những xe hàng rong bán trái cây đứng xếp hàng ngóng khách. Thêm vào đó là những người và phương tiện dừng đỗ để giao dịch mua hàng, ăn uống… tạo nên một tuyến phố hỗn độn và nhếch nhác.

Chợ trái phép "gặm nát" vỉa hè và lòng đường ở Định Công. Ảnh: Nguyễn Khuê

Từ cầu Lủ rẽ sang ngõ 2, phố Định Công Thượng là "chợ" tự phát hoạt động suốt ngày đêm. Những hàng bán quần áo dựng cả lều lán, bên cạnh là một chiếc xe tải BKS 29M-4645 lúc nào cũng đầy ắp dưa hấu và củ đậu, đóng vai trò là một cái "kho" hàng lưu động. Xung quanh "kho" hàng này là những đống cây mía, củ đậu… đổ kín vỉa hè. "Hậu phương" làm nhiệm vụ "tiếp phẩm" cho "kho" hàng là chiếc xe tải BKS 29C-054.65 thường xuyên dừng đỗ tại đây. Sau mỗi ngày bán hàng, nơi đây lại thành căn nhà tạm của những ông chủ, bà chủ của "kho" hàng này.

Theo địa chỉ do bạn đọc phản ánh, PV đã đến "giao dịch" tại khu vực chợ tự phát và thắc mắc: "Các chị bán hàng ở đây không bị ai cấm, ai đuổi thì sướng quá nhỉ?", một chị bán hàng thanh minh: "Úi giời, em tưởng tự dưng mà được bán ở đây à? Mỗi tháng bọn chị phải mất bao nhiêu tiền với cả phường lẫn quận(?!) mới ổn đấy chứ". Một cô bán xe hàng rong trước cổng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội cũng cho biết: "Mỗi ngày em phải nộp 10.000 đồng mới được bày bán ở đây". Khi hỏi nộp tiền cho ai, thì cô này trả lời: "Em không biết, thấy họ đi thu ai cũng phải nộp thì mình cũng nộp để mà có chỗ bán hàng thôi".

Chiều 27-3, trong buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công phủ nhận việc có thu phí "bảo kê" cho chợ trái phép hoạt động. Nhưng ông Long lại bao biện cho sự tồn tại trái phép của chợ tự phát là do… thói quen mua bán của người dân địa phương; hạ tầng đô thị còn yếu? Và quan trọng là dẹp được chợ thì người dân mua bán ở đâu? Tuy nhiên ông Long lại quên rằng, tại phường Định Công đã có chợ Xanh trong KĐT Định Công. Hay chợ Xanh không đủ đáp ứng cho giao dịch của người dân? Điều đó khẳng định là do sự "nương tay" của những người có trách nhiệm để chợ trái phép hoạt động. Hay nói cách khác, những người có trách nhiệm của UBND phường Định Công còn "quan tâm" hơn đến việc duy trì chợ trái phép hoạt động trên phố Định Công Thượng để thuận lợi cho việc mua bán của người dân?

Vòng vo đưa ra hàng loạt lý do để bao biện cho sự tồn tại của việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên phố Định Công Thượng, ông Long khẳng định: "Phường Định Công có tới 4.000 dân, thì UBND phường "làm sao" mà dẹp được chợ cơ chứ(?!). Phải chăng do dân số quá đông nên sức quản lý của UBND phường Định Công bị quá tải?

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012040509324547p1002c1020/ubnd-phuong-dinh-cong-khong-the-xu-ly.htm