UBND Huyện Vị Thủy - Hậu Giang: Nhập nhằng việc thu hồi và bồi thường cho dân

Vợ chồng ông Thuận bên ba ngôi mộ gia tộc trong khuôn viên Tòa án nhân dân huyện

Đưa cho chúng tôi xem tờ giấy khen của UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, ông Phạm Hồng Thuận (SN 1934, ngụ ấp 4, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy) nghẹn lời ấm ức: “Hồi đầu năm 2002, gia đình tôi đã chấp hành tốt việc giải tỏa di dời để phục vụ việc xây dựng khu trung tâm hành chính huyện. Nhưng rồi, việc thu hồi vừa lắt nhắt vừa nhập nhèm khiến giờ này chúng tôi gần như trắng tay”...

Theo trình bày của ông Thuận, gia đình ông có khoảng 1,5 hecta đất (tọa lạc tại vị trí trung tâm hành chính của huyện Vị Thủy ngày nay). Theo giấy CNQSDĐ cấp ngày 27-7-1998, diện tích chung của khu đất là 14.960m2 nhưng thực tế đo được 15.363m2, trong đó có trên 300m2 thổ cư. Tháng 7-1999, huyện Vị Thủy được thành lập và đến cuối năm UBND tỉnh Cần Thơ đã phê duyệt thiết kế quy hoạch cải tạo, xây dựng thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy. Do nằm trong quy hoạch nói trên nên gia đình ông Thuận bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nói trên để xây dựng trụ sở Thi hành án, trụ sở Phòng Tư pháp, trụ sở Viện Kiểm sát, trụ sở Tòa án nhân dân huyện Vị Thủy, đường Ngô Quốc Trị, đường Lê Hồng Phong... Tuy bị thu hồi toàn bộ diện tích nhưng ông Thuận đã không được bồi thường một lần mà phải nhận tiền lắt nhắt theo từng hạng mục, khiến ông Thuận và gia đình không thể có kinh phí để di dời, ổn định cuộc sống. Cụ thể, ngày 16-6-2000 UBND tỉnh Cần Thơ ra quyết định thu hồi phần đất có diện tích 900m2 đất ruộng hạng 3 để xây dựng trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy, với tổng giá trị đền bù là 15,8 triệu đồng. Nhưng qua đo vẽ của gia đình ông thì diện tích thực tế tại khuôn viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Thủy lên tới 1.389m2.

Khuôn viên Viện KSND huyện Vị Thủy lấy thêm diện tích để làm ki-ốt?

Như vậy các cơ quan chức năng cứ... “lẳng lặng” thu thêm gần 500m2 đất của dân. Rõ ràng việc thu hồi thêm đã có sự làm sai qui định, lẽ ra UBND huyện phải có quyết định điều chỉnh, thông báo cho ông Thuận được biết. Việc thu hồi đất xây dựng trụ sở cơ quan Thi hành án cũng tương tự. Theo quyết định số 68/QĐ-UB ngày 13-11-2001 của UBND huyện Vị Thủy thì vào thời điểm trên UBND huyện ra quyết định thu hồi 980m2 đất thuộc thửa 27 để xây dựng trụ sở cơ quan thi hành án. Nhưng tại bảng chiết tính chi phí bồi hoàn di dời dân lại chỉ ghi đền bù cho gia đình ông Thuận 5.586.000 đồng cho 490m2. Một nửa còn lại, được ghi chú là nằm trong diện tích bồi hoàn Phòng Tư pháp.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích thực tế của trụ sở cơ quan thi hành án huyện Vị Thủy là bao nhiêu thì ngay cả UBND huyện Vị Thủy cũng không biết. Bởi lẽ, trong báo cáo của UBND huyện về trường hợp này như sau: “Theo QĐ số 68/ QĐ-UB ngày 13-11-2001 thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan thi hành án là 980m2 nhưng lúc đó chỉ giao cho Thi hành án 490m2 và dự định xây dựng Phòng Tư pháp 490m2... Sau này do nhu cầu mở rộng cơ quan thi hành án nên huyện đã giao phần đất dự định xây Phòng Tư pháp cho Thi hành án và lấy thêm một phần đất thu hồi để xây dựng trụ sở TAND để giao mở rộng trụ sở cơ quan Thi hành án(?!)”. Rõ ràng, cách làm trên của UBND huyện Vị Thủy đã thể hiện rất rõ sự tùy tiện. Không thể trách người dân khi mà tài sản của họ bị xà xẻo, dắt dây từ dự án này sang dự án khác như cách làm trên của UBND huyện Vị Thủy.

Không chỉ thế, việc xây dựng trụ sở Ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình ông Thuận cũng không hề nhận được một quyết định thu hồi đất nào liên quan đến phần đất rộng trên 800m2 để xây trụ sở ngân hàng. Lý giải tại sao có trụ sở Ngân hàng mọc lên tại khu đất của ông Thuận, UBND huyện Vị Thủy đã cho rằng: “...Phần đất để xây dựng trụ sở Ngân hàng chính sách nằm trong quyết định thu hồi đất... của UBND tỉnh Cần Thơ phê duyệt phương án bồi hoàn trụ sở TAND huyện Vị Thủy”. Kiểu bồi hoàn, lấy đất của dân theo cách “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lấy đất của dự án này giao cho dự án khác mà không hề có quyết định điều chỉnh của UBND huyện Vị Thủy như vậy thì hỏi sao gia đình ông Thuận không khiếu kiện suốt nhiều năm?

Được biết, liên quan tới phần đất xây dựng trụ sở TAND huyện Vị Thủy, theo quyết định thu hồi đất số 12/QĐ-UB ngày 7-1-2003 của UBND huyện Vị Thủy thì diện tích bị thu hồi để xây dựng TAND huyện Vị Thủy là 2.699m2 với tổng giá trị đền bù xấp xỉ 67 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế đo vẽ lúc giao đất thì TAND huyện Vị Thủy được giao 3.000m2. Theo ông Thuận thì đơn giá đền bù đất cho ông không thỏa đáng. Cụ thể, cũng là đất nông nghiệp hạng 3 nhưng gia đình bà Phan Thị Lái (cùng ngụ ấp 4, thị trấn Nàng Mau) được đền bù theo đơn giá 30.780 đồng/m2 trong khi hộ của ông chỉ được tính giá 10.260 đồng/m2 ở thời điểm năm 2003.

Chính vì cách tính giá trị có sự chênh lệch quá lớn, cộng với sự nhập nhèm trong việc thu hồi nên gia đình ông Thuận tới nay vẫn chưa nhận bồi thường phần đất trên.
Được biết, hiện nay trong khuôn viên TAND huyện Vị Thủy vẫn còn ba ngôi mộ của gia tộc ông Thuận. Những ngôi mộ này tồn tại suốt nhiều năm, chính quyền địa phương đã nhiều lần thông báo cưỡng chế nhưng không được, phải chăng là đã bị rơi vào hoàn cảnh... “há miệng mắc quai” (?!).

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=707&id=451961&mod=detnews&p=