Uẩn khúc Hoàng Văn Phúc

Buổi sáng, sau cái đêm nhận quyết định “tạm đình chỉ chức vụ HLV trưởng” từ VFF, Hoàng Văn Phúc lặng lẽ rời phòng xuống căngtin, nơi trợ lý Phùng Thanh Phương đang đợi sẵn. Họ nhìn nhau, không nói gì, lòng nặng trĩu. Phúc gọi một bát mì tôm, anh ăn đúng một miếng rồi chống đũa rồi nhìn ra xa. Chỉ một đêm, Hoàng Văn Phúc như già đi hơn chục tuổi. Đời Phúc không ít thăng trầm, nhưng cú này, với Phúc, thì đau quá…

HLV Hoàng Văn Phúc

Cái hạn tuổi 49-53

“Cứ như cái hạn”, Phúc nói, “không hiểu ra làm sao nữa”. Giật mình, có khi là cái hạn thật. Hoàng Văn Phúc sinh năm 1964, tính ra vừa vặn… 49 tuổi, năm nay đúng năm hạn(!?) Dân gian có câu “49 chưa qua, 53 đã tới” khi nói về những khoảng thời gian mà con người ta có thể gặp những cái hạn lớn trong đời.

Dân làm bóng đá thực ra là rất mê tín, chuyện cúng sân, yểm bùa, giải hạn năm nào chẳng có. Thậm chí CLB chọn HLV trưởng cũng tính chuyện xem tuổi sao cho hợp với ông chủ rồi mới ký hợp đồng.
Với đội tuyển, cái ngưỡng 49-53 trùng hợp một cách kỳ lạ.

Trước thềm SEA Games 16 năm 1991, HLV Vũ Văn Tư cầm đội tuyển bóng đá chuẩn bị cho lần ra quân đầu tiên trong quá trình hội nhập bóng đá ĐNÁ.

Năm đó, đội tuyển chỉ tập trung đúng hai ngày thì hôm 11.14 cầu thủ nhảy tàu về quê. Cuộc “đảo ngũ” ấy sau này được giải thích là cầu thủ không được quan tâm, nơi ăn chốn ở xập xệ, sân tập thì cỏ cao tới đầu gối. Ông Vũ Văn Tư bị kỷ luật. Năm đó ông tròn 53 tuổi.

Năm 1993, “triều đại” Trần Duy Long ở tuyển cũng kết thúc ngắn ngủi mà theo nhiều người, ông Long không qua được ải 53.

Thậm chí, cái hạn 53 còn “ám” cả ông thầy ngoại A.Riedl năm 2003 tròn 53 tuổi phải cay đắng nhìn U.23 Thái Lan mang HCV bóng đá SEA Games về nước trong một trận chung kết tưởng chừng như phần thắng chắc về U.23 Việt Nam.

Gần nhất là HLV Phan Thanh Hùng, HLV đội tuyển VN dự AFF 2012. Ông Hùng sinh năm 1960, tính tuổi ta là đúng 53. Theo tử vi, 53 tuổi là năm tam tai, chỉ nên theo đường cũ mà đi, việc cũ mà làm, đừng nên đổi thay hay mưu đại sự. Điều này có vẻ ứng với ông Phan Thanh Hùng, đội tuyển VN thua tan tác ở AFF Cup 2012, ngay sau ngày về nước, HLV Phan Thanh Hùng bị cách chức.

Cứ nghe kể dông dài như thế, Hoàng Văn Phúc chỉ cười buồn: “Làm gì đến mức ấy, nếu không tôi đâu có nhận lời ngồi ghế HLV trưởng”.

Đúng thật, sau khi HLV Phan Thanh Hùng bị cách chức bởi thành tích bết bát ở AFF Cup 2012, cái ghế HLV trưởng đội tuyển bị bỏ lại và ai cũng nhìn như thế cái ghế đó bị... ma ám.

Mời Lê Huỳnh Đức của SHB.Đà Nẵng thì Đức cáo bận không thể tham gia, mời Hoàng Anh Tuấn của V.Hải Phòng thì Tuấn nói đội mới chuyển giao bộn bề, mời Hữu Thắng của SLNA thì Thắng tìm cách né...

Trong bối cảnh ghế HLV ế ẩm, thậm chí thời điểm đầu năm 2013, VFF đã quyết định “đột phá” mức lương để “nhử” HLV nội. Lương cho HLV nội sẽ là... 200 triệu/tháng, tương đương với 10.000USD - VFF tuyên bố như vậy. Song ghế ế vẫn cứ... ế.

Cuối cùng, VFF phải chọn một gương mặt, mời gần như “gãy lưỡi”. Đó chính là Hoàng Văn Phúc.

Đầu năm 2013, Hoàng Văn Phúc làm HLV đội trẻ HN T&T đá ở hạng nhất. Trước đó, Phúc được giao dẫn dắt U.22 đá khá thành công ở BTV Cup 2012.

Ban đầu, Hoàng Văn Phúc không nhận lời, một mặt vì phải xin ý kiến bầu Hiển, một mặt VFF đòi phải chuyên trách, tức là buộc phải dứt việc ở CLB để tập trung cho đội tuyển. Phúc chối, VFF xuống nước: “Thôi thì kiêm nhiệm cũng được, nhưng chỉ tạm hai trận vòng loại Asian Cup với ĐT UAE và ĐT Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 2 và 3 năm 2013”.

Vậy là Hoàng Văn Phúc trở thành HLV “tạm” với mức lương chỉ nhỉnh hơn... 1/10 mức lương mà VFF “thả thính ban đầu”. Đấy mới chỉ là bước đầu của... cái hạn tuổi 49, điều mà Hoàng Văn Phúc biết nhưng cố đương đầu.

Hiền thì... chịu trận

Sau hai trận tạm dẫn dắt đội tuyển, dù thành tích khá kém, điển hình là thua cả Hồng Kông (Trung Quốc) nhưng VFF vẫn phải chính thức ký hợp đồng với Hoàng Văn Phúc để bỏ chữ “tạm quyền” vô duyên trên lưng HLV này. Thời điểm ấy, giới chuyên môn đã nghi ngờ khả năng của Hoàng Văn Phúc, có người khẳng định: “Phúc không đủ tầm để làm đội tuyển”.

Lý do chủ yếu là Hoàng Văn Phúc chưa dẫn dắt một CLB mạnh nào ở V.League, chủ yếu là làm ở hạng nhất với các đội HN.ACB của bầu Kiên hay trẻ HN T&T của bầu Hiển.

Thế mạnh của Hoàng Văn Phúc được cho là làm khá tốt khâu đào tạo dưới 22 tuổi, bằng chứng là ngay trong năm 2008, Hoàng Văn Phúc đã dẫn dắt đội tuyển U.16 Việt Nam giành chức vô địch ĐNÁ.

Năm 2010, đội tuyển U.16 Việt Nam vượt qua đối thủ mạnh Trung Quốc để giành ngôi vô địch ĐNÁ mở rộng. Năm 2011, Hoàng Văn Phúc dẫn dắt đội tuyển U.19 Việt Nam thi đấu thành công và giành được tấm vé dự vòng chung kết U.19 Châu Á 2012…

Cái tạng hiền hiền lành lành của Hoàng Văn Phúc có vẻ hợp với đám trẻ, theo đúng kiểu tạo dựng các mối quan hệ thân tình như bố con - chú cháu.

Mà Phúc lành thật, lành cả trong cách nói chuyện, tới mức dù làm HLV trưởng một thời gian khi đứng trước ống kính truyền hình trả lời phỏng vấn, Phúc vẫn… run.

HLV cá tính mạnh thì từ chối, HLV ngoại thì không có, Phúc vào ghế HLV trưởng vừa bị nghi ngờ về chuyên môn, vừa không đủ “uy” để diễn đạt những điều mình nói. Vì thế, anh vẫn chưa thoát ra khỏi phận “nhân viên” của VFF trong khi đáng lẽ, vị thế của anh phải là đối tác của liên đoàn.

Hoàng Văn Phúc được chọn, thực ra cũng từ bối cảnh VFF chuẩn bị đại hội. Luôn là thời điểm nhạy cảm trước mỗi kỳ đại hội.

Có cảm giác như Hoàng Văn Phúc dễ cho người ta thấy quý mến vì sự hiền lành tới mức an toàn của anh. Nhưng ở một góc độ khác, người ta chưa nhìn thấy ở Phúc một thủ lĩnh, một sự quyết đoán và sắt thép cần thiết.

Vị tướng và con tốt

Hoàng Văn Phúc chưa bao giờ lý giải một cách cặn kẽ về thái độ thi đấu của các cầu thủ U.23 Việt Nam hòa Bangu (Brazil) với tỉ số 3 - 3. Trận đấu ấy, sau khi dẫn 3 - 1, các cầu thủ Việt Nam đá chùng xuống để đối thủ gỡ hòa 3 - 3.

Tỉ số ấy, cách đá ấy khiến cho người ta nghĩ ngay đến một câu chuyện động trời: Bán độ. Nhưng không có bán độ nào cả, đơn giản là U.23 Việt Nam chủ động đá hòa. Trận hòa ấy như thể được lên kế hoạch từ trước (dù không ai thừa nhận).

Giới chuyên môn cho rằng, U.23 Việt Nam làm thế để gặp Sinh viên Hàn Quốc ở bán kết - đó sẽ là đối thủ mà U.23 Việt Nam thích gặp bởi sẽ học hỏi được nhiều, một cơ hội cọ xát tốt. Hơn nữa việc “né” được chủ nhà B.Bình Dương sẽ tạo cơ hội để BTV Cup 2013 có một trận chung kết trong mơ: Chủ nhà B.Bình Dương gặp U.23 Việt Nam.

Tất cả đúng dự kiến, chỉ trừ quyết định tạm kỷ luật Hoàng Văn Phúc và Trưởng đoàn Trương Hải Tùng. Quyết định chóng vánh tới mức khó tin, thường trực VFF họp ngay trong đêm, nó lan truyền trong đêm nhanh như điện cho dù tới sáng hôm sau, VFF mới có văn bản chính thức. Lý do VFF đưa ra là: U.23 Việt Nam coi thường khán giả khi chơi không hết mình.

Theo cách nói của PCT Lê Hùng Dũng là “Coi thường khán giả thì phải ra đi”. Thế nhưng một diễn biến bất ngờ là ngay sau đó, TTK Ngô Lê Bằng và thậm chí cả Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã thuyết phục và mong muốn Hoàng Văn Phúc ở lại. Chỉ trong 3 - 4 ngày, quyết định của VFF xoay như chong chóng.

Phía sau câu chuyện này, U.23 và Hoàng Văn Phúc bị tổn thương về danh dự, ông Trưởng đoàn Trương Hải Tùng là người duy nhất bị kỷ luật, ông Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng và ông bầu Đoàn Nguyên Đức được tiếng là mạnh mẽ chống tiêu cực. Thêm những điểm cộng cho cả ông Dũng và ông Đức sau màn trình diễn đẹp của U.19 trước đó.

Nhưng uẩn khúc Hoàng Văn Phúc chưa được giải quyết. Người ta chưa thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa câu nói của Hoàng Văn Phúc: “Tôi đang suy nghĩ rằng, hình như ở phía trên VFF, có những ai đó đang “đánh nhau” và tôi ở dưới phải chịu hậu quả. Nếu quả tình đúng như vậy thì nỗi buồn của tôi càng lớn!”. Ai đánh nhau? Đánh nhau vì cái gì? Có liên quan tới việc chạy ghế ở Đại hội VFF nhiệm kỳ tới không?

Bây giờ phải nhìn nhận một thực tế là: VFF đặt Hoàng Văn Phúc vào cái ghế của một vị tướng, nhưng có thể anh chỉ là con tốt trên bàn cờ của VFF.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/bong-da/uan-khuc-hoang-van-phuc/147163.bld