U22 Việt Nam: Tập nhiều, đá tốt?

1. Để chuẩn bị cho 3 trận đấu vòng loại U23 châu Á 2018, đội tuyển U22 tập trung từ ngày 3-7, tức là có đến 15 ngày để tập. Sau đó, thầy trò HLV Hữu Thắng sẽ có ít nhất 15 ngày khác nữa trước khi môn bóng đá tại SEA Games chính thức khởi tranh.

Nếu xem mục tiêu chính là SEA Games, coi như đội U22 có gần 40 ngày cộng với ít nhất 6 trận đấu nhằm thực hiện mục tiêu HCV trên đất Maylasia.

Câu hỏi đặt ra: Tập trung như vậy là có nhiều quá hay không?

Cần lưu ý rằng SEA Games 29 lần này diễn ra khác mọi năm, rơi vào tháng 8, tức nằm ngay giữa thời điểm thi đấu của V-League. Trước đây, SEA Games diễn ra từ tháng 11, tức là sau khi kết thúc V-League từ 2-3 tháng, nhu cầu tập huấn dài hạn xuất phát từ đây, đặc biệt là yếu tố thể lực bởi cầu thủ Việt Nam không đạt được mức chuyên nghiệp cao, rất dễ đánh mất phong độ. Trong khi đó, như đã biết là từ đầu năm 2017 đến nay, đa số các cầu thủ U22 đều không có ngày nghỉ. Họ phải đá cho CLB, đội tuyển quốc gia và U20. Thời lượng vận động của họ nhiều gấp 3 so với những cầu thủ đá V-League khác, đấy là chưa tính đến quãng thời gian của năm 2016 ở cường độ tương tự.

2. Cứ cho là thể lực của các cầu thủ trẻ không bị ảnh hưởng lớn từ mật độ thi đấu dày đặc ấy, thế nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Tại sao phải tập trung quá lâu cho một nhóm cầu thủ vốn dĩ đã thường xuyên đá với nhau? Không lẽ suốt gần 1 năm qua, những ý đồ chiến thuật của HLV Hữu Thắng chưa được các cầu thủ cảm thụ hay sao? Tại sao như năm ngoái, các cầu thủ đá ở nước ngoài chỉ về tập trung ngắn hạn vẫn chơi ổn, không lẽ những người còn lại, vốn đá tại V-League quen thuộc, không thể hòa nhập tốt trong thời gian ngắn được sao?

Cho đến nay, dựa trên những giải đấu mà bóng đá Việt Nam từng tham dự suốt 20 năm qua, chưa có kết luận nào cho thấy việc tập trung đội tuyển quá dài sẽ là điều tốt hoặc tập trung ngắn thì có kết quả tệ.

Theo thống kê, từ tháng 10-2016 đến nay, 2/3 cầu thủ của đội U22 đã chơi từ 30-35 trận trong các màu áo. Cứ cho là số trận đấu đó không quá nhiều nhưng cần lưu ý là toàn bộ thời gian của họ chỉ là tập và thi đấu. Vì điều này mà lần đầu tiên, giải đấu số 1 quốc gia V-League bị tạm dừng đến 2 lần, mỗi lần hơn 2 tháng, kéo dài đến tận tháng 11 mới kết thúc, làm ảnh hưởng đến 90% các cầu thủ còn lại.

Nói cho cùng, phong độ của một cầu thủ không thể được chứng minh qua các buổi tập. Nhưng suốt bao nhiêu năm, kể cả khi có những góp ý từ các chuyên gia ngoại trước đây thì bóng đá Việt Nam vẫn không chịu thay đổi thói quen tập, tập nữa, tập mãi…

Theo SGGP

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/tuyen-quoc-gia/u22-viet-nam-tap-nhieu-da-tot-292-248265.html