U21 Khánh Hòa: Cầu thủ nhận 70.000 đồng tiền ăn, phải cưa gỗ kiếm sống

HLV Nguyễn Tý của U21 Khánh Hòa chia sẻ về khó khăn của cầu thủ, nhưng không đánh mất niềm tin vào sự trở lại của bóng đá Khánh Hòa trong tương lai.

Bóng đá Khánh Hòa trải qua giai đoạn khó khăn, khi CLB Sanna Khánh Hòa nợ lương cầu thủ. Với bóng đá trẻ tỉnh Khánh Hòa, tình hình còn u ám hơn nữa. 8 năm qua, các cầu thủ trẻ Khánh Hòa chỉ nhận số tiền trợ cấp khiêm tốn, phải đi làm thêm kiếm sống. Dù vậy, U21 Khánh Hòa đã thi đấu tốt, liên tục có mặt ở VCK Quốc gia.

Chia sẻ với VTC News, HLV Nguyễn Tý của U21 Khánh Hòa đồng cảm với khó khăn của học trò, nhưng không từ bỏ hy vọng bóng đá tỉnh nhà sẽ khởi sắc trong tương lai.

Tiền ăn 70.000 đồng/ngày

- Ông từng đề cập đến việc cầu thủ trẻ Khánh Hòa chỉ nhận 70.000 đồng/ngày tiền ăn suốt 8 năm qua. Với số tiền hỗ trợ khiêm tốn như vậy, các cầu thủ trẻ có thể chuyên tâm tập luyện không?

Mọi cầu thủ của Khánh Hòa đều nhận mức hỗ trợ này. Tình cảnh đó đã kéo dài 12 năm, chứ không dừng lại ở 8 năm. Số tiền ăn hỗ trợ 70.000 đồng/ngày là quy chế của UBND tỉnh Khánh Hòa.

HLV Nguyễn Tý của U21 Khánh Hòa.

Tôi không nghĩ rằng chế độ cho cầu thủ thấp như vậy. Có những cầu thủ đã 21 tuổi, nhưng chưa vào phòng tạ tập lần nào. Tôi làm việc, hiểu rằng mọi thứ đều phải khoa học. Tôi không thể yêu cầu học trò tập tạ, khi các em còn không được ăn uống đầy đủ, cơ bắp hay xương khó phát triển. Tập như thế, sau các em chấn thương thì sao?

Tất cả các buổi tập về thể lực, tôi cho các em chạy trên cát để tăng cường sức mạnh, sức bền, nên đội trẻ Khánh Hòa tập luyện một tuần lễ trước giải.

Chế độ của tôi cũng tương tự, chỉ nhận 70.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, báo ăn 50.000 đồng, 20.000 đồng còn lại phát tiền ăn sáng, như thế làm sao làm việc.

Tôi chỉ đạo các cầu thủ tập 1 buổi/ngày ngay trước thềm giải đấu. Tiền phụ cấp là 30.000 đồng cho mỗi buổi ra sân, sau tăng lên 40.000 đồng. Lương tháng là 5 triệu đồng mỗi tháng, tiền ăn là 2,1 triệu đồng/tháng. Phải tâm huyết với nghề mới làm được.

8 năm rồi, chúng tôi chờ đợi. Bóng đá Khánh Hòa có nhiều tài năng, nhưng cách làm chưa chuyên nghiệp.

- Các cầu thủ trẻ xoay sở ra sao với mức trợ cấp ít ỏi ấy?

Có một câu chuyện về cơm áo gạo tiền của cầu thủ mà tôi nhớ mãi. Tôi rất nghiêm khắc chuyện giờ giấc. Ngày trước khi làm ở Khatoco Khánh Hòa đến bây giờ làm trẻ, tôi yêu cầu giờ giấc khắt khe lắm, muộn một phút thôi là tôi phạt ngay.

Với tôi, cầu thủ không muốn đi tập nên mới muộn giờ. Nếu chuyên tâm vào tập luyện, đầu tư cho chuyên môn có khi cầu thủ còn đến sớm 10, 15 phút để chuẩn bị, chứ không phải sát giờ mới đến. Như thế là không tôn trọng buổi tập, tôi không chấp nhận.

U21 Khánh Hòa (áo đỏ) nhận mức trợ cấp tiền ăn ít ỏi.

Trong một lần đang chỉ đạo buổi tập của đội trẻ Khánh Hòa, có một cầu thủ đến muộn. Tôi hỏi cầu thủ ấy tại sao muộn giờ, thì em nói: "Xin lỗi thầy, em đi cưa gỗ, làm thợ mộc phụ người ta kiếm tiền".

Ở đội U21, có những em ở xa gia đình, ví dụ như Phú Yên. Khi các em vào đây thi đấu, chỉ nhận 50.000 đồng, 70.000 đồng tiền ăn, lấy tiền đâu mà tiêu xài. Các em phải đi làm để kiếm tiền thêm, điều đó là hợp lý. Là người thầy, tôi phải chấp nhận việc đó, đâu thể khác được. Tất cả vì hoàn cảnh đưa đẩy.

Tôi cũng làm trẻ, các HLV khác cũng làm trẻ. Có những đội như PVF, cầu thủ trẻ được chăm sóc thể chất tốt, trong khi cầu thủ của tôi không có sữa mà uống. Các cầu thủ ở Nha Trang, khi đói còn về với gia đình, không như các em ở xa.

- Để có thành tích như vậy, ông đã động viên cầu thủ thế nào?

Việc đầu tiên là tôi phải chấp nhận sự thật đó, không chấp nhận thì không thể làm được. Thứ hai, tôi chỉ nói rằng: "Cố lên các con, phải cố gắng lên. Đây là cái nghề của con, là hướng đi con chọn. Công việc kia chỉ là nghề phụ thôi, đây mới là nghề chính của con, nên các con phải cố gắng với nghề nghiệp của mình.

Nếu các con không có tài năng, tố chất, thầy đã không tuyển. Bóng đá mà, mọi thứ phải được thể hiện trên sân. Hãy chứng tỏ tốt khả năng chuyên môn của mình cho khán giả thấy. Nhất định phải cố lên", tôi nói với các cầu thủ như vậy.

- Các cầu thủ đã không phụ lòng ông, khi thành tích của Khánh Hòa ở giải U21 vẫn rất ổn định.

Tôi làm ở Khánh Hòa 8 năm, thì có 6 năm đưa Khánh Hòa lọt vào vòng chung kết U21. Tôi không tính lần này, vì đây là giải Khánh Hòa tổ chức nên có suất đá vòng chung kết. Tôi làm được, Khánh Hòa làm được vì thầy trò cùng nỗ lực, chiến đấu, điều này đã nói lên tất cả.

Vòng loại giải U21 Quốc gia năm ngoái, Khánh Hòa gặp toàn đối thủ mạnh như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng, Phù Đổng. Các đội còn được tăng cường cầu thủ từ V-League xuống, nhưng chúng tôi đã đá tới cùng.

Có những trận đấu khi kết thúc, tôi phải bật khóc vì học trò. Cầu thủ chấn thương, phải khâu 8 mũi nhưng vẫn xung phong xin vào đá tiếp. Làm người thầy, sao tôi có thể chịu nổi. Thắng trận cuối rồi lọt vào vòng chung kết, thầy trò ôm nhau khóc. Tôi không nỡ chia tay các cháu.

Thế nhưng sau thành tích này, tỉnh Khánh Hòa chỉ thưởng các cháu 500.000 đồng.

Bóng đá có phân chia đẳng cấp. Dự các vòng chung kết trẻ, gặp đội U21 của Hà Nội, Viettel hay HAGL, Khánh Hòa khó lấy huy chương lắm. Các CLB lớn, có hệ thống đào tạo trẻ hùng hậu như thế mà. Tôi bức xúc lắm, nhưng vì cầu thủ trẻ, tôi vẫn làm.

Khi tôi làm ở vòng chung kết U19 cách đây nhiều năm, chế độ của cầu thủ còn thấp hơn nhiều. Khi đi thi đấu, khách sạn báo suất ăn cho mỗi cầu thủ là 160.000 đồng/người/ngày.

Tôi năn nỉ khách sạn, xin suất ăn 70.000 đồng cho cầu thủ vì quy chế chỉ cho vậy thôi, nhưng khách sạn không đồng ý. Sau cùng, thầy trò chúng tôi phải ra ngoài ăn giữa trưa nắng. Lãnh đạo đấu tranh rất nhiều, song quy chế là quy chế.

HLV Nguyễn Tý động viên học trò thi đấu.

- Làm việc trong điều kiện khó khăn, ông đã nghĩ đến chuyện từ bỏ?

Nhiều đồng nghiệp khuyên tôi chuyển sang đội khác. Khi Khatoco Khánh Hòa chuyển giao lại suất đá V-League cho CLB Hải Phòng, anh Lê Tiến Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khatoco Khánh Hòa đã làm hợp đồng cho tôi ra Hải Phòng huấn luyện, nhưng tôi không làm.

Tôi xin được ở lại để cống hiến cho quê hương, cũng nói với anh Tiến Anh là tôi thuộc biên chế nhà nước nên ở lại đây làm việc, để anh Tuấn (HLV Hoàng Anh Tuấn - PV) ra Hải Phòng làm việc là được rồi.

Khi HLV Hoàng Anh Tuấn thôi việc ở Hải Phòng, anh có công tác ở đội tuyển Việt Nam, thậm chí là HLV trưởng U19 Việt Nam. Anh có đề nghị tôi lên tuyển cùng nhưng tôi giải thích cho anh Tuấn hiểu rằng vị trí huấn luyện ở đội tuyển quốc gia đã có người ngồi rồi.

Tôi mà lên là lấy vị trí của người khác, vấn đề này rất nhạy cảm, chứ thực ra ai mà không muốn làm ở đội tuyển quốc gia, ai cũng muốn đi thôi. Tôi đã đề nghị như vậy với HLV Hoàng Anh Tuấn. Ngoài ra, đó chỉ là một phần nguyên nhân. Tôi nhận công việc này bởi tôi thương học trò của mình.

Khi mới nhận lớp trẻ này của Khánh Hòa, tôi biết lãnh đạo Sở cũng rất thương các em rất nhiều. Tôi càng làm, càng quý các thủ. Nếu tôi rời ghế HLV thì cũng có người khác làm thay thôi, tôi cũng có thể lên đội tuyển làm, nhưng tôi thích bóng đá trẻ vì luôn có cảm giác vui vẻ, ấm cúng khi huấn luyện các cầu thủ trẻ.

Tôi quyết định ở lại làm việc, nhưng không nghĩ rằng chế độ cho cầu thủ lại thấp như vậy.

Tin vào tương lai

- Tiền bạc cũng là nguyên nhân lò trẻ Khánh Hòa không đào tạo ra cầu thủ nào tên tuổi trong thời gian qua?

Nếu được đầu tư tốt, Khánh Hòa sẽ còn chơi tốt hơn. Trong bóng đá, không có gì qua được chế độ, phụ cấp, tiền lương. Các CLB mạnh đều phải có chế độ tốt, tiền lương nhiều. Bóng đá không có tiền thì chết, đó là điều tất yếu. Cầu thủ ăn ngày 4, 5 bữa, còn cầu thủ của tôi không có gì, rất nhiều.

Tôi khẳng định Khánh Hòa rất nhiều nhân tài đá bóng. U15 Khánh Hòa lọt vào vòng chung kết, nhưng cũng không có chế độ, sao dám đi đá giải. Vấn đề này thuộc về UBND tỉnh. Mình chỉ mong bóng đá được hỗ trợ nhiều hơn. Các cầu thủ trẻ còn tương lai phía trước để phấn đấu.

Cầu thủ Sanna Khánh Hòa từng bị nợ lương ở hạng Nhất 2020.

Ngày trước, khi Khatoco tài trợ cho CLB Khánh Hòa, họ lấy từ lứa U17 trở đi, còn đội U11, U13 thuộc về trung tâm huấn luyện. Khi Khatoco trả lại đội, các đội từ U17 trở đi, trong đó có đội U21, cũng được trả lại về trung tâm. Không có doanh nghiệp nào đầu tư cho đội.

Dù vậy, khi cầu thủ đá giải, nhà tài trợ giải Sanna sẽ hỗ trợ về tiền ăn, áo thi đấu, nước,... do chế độ cầu thủ vốn thấp. Đó là lý do áo thi đấu của chúng tôi có chữ Sanna. Chúng tôi trân quý và tôn trọng Sanna vì đã hỗ trợ cho bóng đá Khánh Hòa trong nhiều năm.

- Bóng đá Khánh Hòa dường như đang trong giai đoạn khó khăn. CLB chủ quản nợ lương, 2 đội futsal phải gộp. Dịch COVID-19 khiến ngân sách cho bóng đá của tỉnh bị cắt, hay doanh nghiệp không còn mặn mà đầu tư?

Những khó khăn thời gian qua cho chúng ta thấy rằng không có doanh nghiệp, không có tiền thì không làm được bóng đá. Do đó, VFF quy định đội bóng chuyên nghiệp phải có bao nhiêu tiền mới được dự V-League, hạng Nhất. Đó là quy chế chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp khó khăn vì dịch COVID-19, nên bóng đá cũng chịu khó khăn theo. CLB Khánh Hòa đá hạng Nhất vừa qua cũng không biết bao nhiêu lần "đình công" vì bị nợ lương. Sau cùng, CLB mới xin được tài trợ từ Vinpearl để tham dự nốt phần còn lại của mùa bóng.

Trong khó khăn chung, lãnh đạo đã tạo điều kiện cho tôi làm việc hết mình, không chỉ bóng đá mà các môn thể thao khác cũng thế.

Giám đốc Sở TT-VH&DL cũng rất cố gắng để tổ chức giải U21 trong thời điểm Khánh Hòa và doanh nghiệp Sanna khó khăn thế này. Anh chạy tất tả, lo mọi thứ, nhờ đồng nghiệp để tài trợ cho giải U21, để vòng chung kết diễn ra ở đây. Tôi rất biết ơn lãnh đạo vì điều này.

Trong năm 2021, tôi được biết chế độ cho cầu thủ sẽ có hy vọng cải thiện, UBND đã có văn bản. Khánh Hòa có nhà tài trợ, nên bóng đá trẻ được hỗ trợ. Bóng đá Khánh Hòa sẽ được vực dậy. Năm nay là năm để ổn định lại, và những năm tới đây, bóng đá trẻ Khánh Hòa chắc chắn tốt hơn rất nhiều.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/u21-khanh-hoa-cau-thu-nhan-70-000-dong-tien-an-phai-cua-go-kiem-song-ar595497.html