Tỷ phú châu Á đổ tiền mua câu lạc bộ bóng đá châu Âu

Hiểu được văn hóa bóng đá là một thách thức, trong khi hiểu được văn hóa kinh doanh của châu Âu lại là một thách thức khác.

Các tỉ phú châu Á ngày càng hào phóng bỏ ra số tiền lớn mua lại cổ phần trong các câu lạc bộ bóng đá châu Âu.Nhân vật mới nhất góp mặt vào trào lưu này là doanh nhân người Trung Quốc Tony Xia Jiantong, khi vừa mua lại một trong những câu lạc bộ lâu đời nhất của Anh là Aston Villa.

Ông Xia, doanh nhân đại lục Trung Quốc đầu tiên sở hữu 100% một câu lạc bóng đá Anh, nhấn mạnh thương vụ mua lại Aston Villa được thực hiện chủ yếu vì mục đích kinh doanh. “Chúng tôi dự định có nhiều hoạt động đầu tư hơn vào ngành bóng đá tại Trung Quốc và tôi tin thương vụ mua lại này có thể cho tôi cơ hội tốt nhất để học hỏi cách thức điều hành bóng đá”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal hồi giữa tháng 5.

Theo giới chuyên gia, làn sóng giới siêu giàu châu Á đổ tiền vào môn bóng đá vua trong những năm gần đây cho thấy những doanh nhân châu Á xem các câu lạc bộ bóng đá là một kế hoạch kinh doanh khả thi và là cơ hội để họ nâng cao danh tiếng trên toàn cầu. Trong thương vụ của Aston Villa, màu sắc kinh doanh có thể thấy rõ, nhất là khi câu lạc bộ 142 tuổi đời này đã bị xuống hạng sau gần 30 năm chơi bóng đỉnh cao.

“Đó là một năm tồi tệ cho Aston Villa nhưng là một thời điểm rất tốt để mua vào”, Thibaud Andre, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Daxue Consulting, nhận xét. Ông cho rằng việc mua Aston Villa của ông Xia là “một động thái kinh doanh dài hạn mang tính chiến lược”.

“Với việc Aston Villa xuống hạng, thi đấu ở giải hạng Nhất Anh từ mùa sau, mục tiêu của Xia là đưa đội bóng quay trở lại giải Ngoại hạng Anh. Nếu ông thành công, điều đó có nghĩa là cơ hội rất lớn để nâng cao hình ảnh và tiếng tăm. Từ giờ cho đến khi đó, họ cũng có thời gian để tạo bản sắc đậm nét hơn và xây dựng lượng người hâm mộ hùng hậu cho đội bóng này ở Trung Quốc”, ông Andre nói.

Recon Group, Tập đoàn Holding thuộc sở hữu tư nhân của doanh nhân Tony Xia Jiantong, cũng có thể sẽ hưởng lợi, theo hãng marketing thể thao Yutang Sports có trụ sở tại Bắc Kinh. “Thương vụ mua lại Aston Villa sẽ đóng vai trò như một sợi dây liên kết vô cùng quan trọng giữa các mảng kinh doanh của Recon Group trong lĩnh vực văn hóa và du lịch thông minh”, Giám đốc dự án Lv Lei của Yutang Sports, nói đến các kế hoạch kinh doanh của ông Xia trong việc phát triển một khu trung tâm kinh doanh tích hợp xung quanh Villa Park ở Birmingham.

Ngoài ra, Recon Group cũng có thể nhận được lực đỡ trên các thị trường vốn giữa lúc các nhà đầu tư ngày càng phấn khởi về ngành thể thao Trung Quốc. Điều đó có thể thấy rõ khi giá cổ phiếu của Lotus Health Group (niêm yết trên sàn Thượng Hải) do Recon nắm giữ 75% cổ phần đã tăng 5,1% sau thông tin mua lại Aston Villa hồi tháng 5.

Aston Villa là thương vụ mới nhất trong một loạt các thương vụ đầu tư vào bóng đá từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn dĩ là người rất mê bóng đá, muốn đưa Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ về môn thể thao này.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã thực hiện thương vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực bóng đá khi một nhóm nhà đầu tư đại lục đã mua 13% cổ phần trong công ty mẹ của Manchester City với giá 400 triệu USD. Trước đó, nhà sản xuất video game và đồ chơi Rastar Group đã nắm quyền kiểm soát câu lạc bộ bóng đá nặng nợ Espanyol, trong khi vào tháng 1.2015, tập đoàn bất động sản Dalian Wanda mua lại 20% cổ phần Altetico Madrid, một câu lạc bộ bóng đá đã 10 lần vô địch Tây Ban Nha.

Không chỉ Trung Quốc, các ông trùm châu Á khác cũng đã rót hàng trăm triệu USD vào các câu lạc bộ bóng đá, như tỉ phú Erick Thohir của Indonesia mua câu lạc bộ bóng đá Inter Milan (Ý) hay tỉ phú Peter Lim của Singapore mua Valencia. Ông Lim được xem là “anh hùng” vì đã cứu đội bóng Tây Ban Nha nặng nợ này vào năm 2014.

“Ông ấy đã cứu câu lạc bộ Valencia khỏi tình cảnh phá sản, bỏ tiền ra mua một số cầu thủ và đưa câu lạc bộ lọt vào tốp 4 mùa giải 2014-2015. Ông ấy rõ ràng cũng có tầm nhìn cho câu lạc bộ. Peter Lim được cho là muốn phát triển thương hiệu toàn cầu của Valencia ở châu Á cũng như tài trợ một sân vận động mới, lớn hơn mà có thể tạo ra doanh thu cao hơn trong những ngày bóng lăn”, Lars Voedisch, trưởng chuyên gia tư vấn và Giám đốc Điều hành tại Precious Communications ở Singapore, nhận xét.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công nhất cho đến thời điểm này lại thuộc về tỉ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha, khi theo chân hành trình của Leicester City từ một kẻ ngoài cuộc với tỉ lệ đặt cược vô địch lúc “trà dư tửu hậu” hồi đầu mùa là 5.000-1 (đặt 1 ăn 5.000) trở thành nhà vô địch giải Ngoại hạng Anh. Đây là chức vô địch quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử 132 năm của câu lạc bộ này và vì thế cũng được ví như câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Theo ông Khushil Vaswani, Phó Chủ tịch phụ trách thể thao của Weber Shandwich, vị tỉ phú tự thân lập nghiệp Vichai cùng với tập đoàn sở hữu hệ thống cửa hàng miễn thuế King Power của ông đã “trúng độc đắc” với chiến thắng khiến nhiều người ngỡ ngàng của Leicester City, mang lại những cơ hội kinh doanh lớn cho Tập đoàn.

“King Power đã đoạt “huy chương vàng” và đã gia tăng được tiếng tăm trên vũ đài quốc tế với chiếc thắng gần đây của Leicester City ở giải Ngoại hạng Anh. Những cam kết và niềm đam mê của tỉ phú Vichai dành cho Leicester và fan hâm mộ đã khiến thế giới phải kính nể ông”, ông Vaswani nói.

“Ở khía cạnh kinh doanh, King Power sẽ thấy cánh cửa rộng mở chào đón họ ở các sân bay quốc tế lớn trên khắp thế giới, vì bản thân các sân bay này cũng muốn được gắn kết với câu chuyện cổ tích Leicester City. Đó là cơ hội cho tỉ phú Vichai đưa tập đoàn của ông ra toàn cầu”, ông nói thêm.

Tỉ phú Vichai được cho là đang đi theo hướng này khi có kế hoạch nâng cao tiếng tăm toàn cầu của Leicester City, qua đó đưa các nhãn hàng Thái ra nước ngoài thông qua một dự án kinh doanh trực tuyến mới đang được phát triển, theo một báo cáo gần đây của Reuters.

Simon Chadwich, Giáo sư về ngành kinh doanh bóng đá tại Đại học Salford ở Manchester, cho biết người tiêu dùng có xu hướng trở thành khách hàng quen hoặc mua hàng tại King Power khi bị “hút” về phía thương hiệu này từ sau sự kiện Leicester. Theo ông, với quá nhiều quả ngọt trước mắt, “sẽ là lợi ích tài chính rất lớn cho người sở hữu câu lạc bộ này”.

Nhưng câu chuyện cổ tích như thế rất hiếm gặp. Chắc chắn có nhiều thương vụ không mấy thành công của các doanh nhân châu Á khi đầu tư vào bóng đá châu Âu.

Câu lạc bộ bóng đá Anh Blackburn Rovers là một ví dụ. Thời vận của câu lạc bộ này đã đi xuống kể từ khi về tay tập đoàn sản xuất thức ăn gia cầm Ấn Độ Venky’s vào năm 2010. Ông Voedisch, Precious Communications, tin rằng đó là do chưa hiểu rõ về môn bóng đá, dẫn đến quản lý tài chính kém hiệu quả và đây là lý do chủ yếu đằng sau tình trạng đáng buồn của đội bóng từng vô địch Giải Ngoại hạng Anh.

“Những người sở hữu câu lạc bộ chủ yếu ở bên ngoài Ấn Độ và có nhiều thông tin cho biết không có ai trong số họ biết rõ về bóng đá, huống chi là điều hành một câu lạc bộ. Các cầu thủ chính đã bị chuyển nhượng để trang trải chi phí của câu lạc bộ, giá trị cổ đông bị suy giảm và câu lạc bộ bị xem là “vô giá trị” như một món hàng vậy”, ông nói.

Các yếu tố khác như những khác biệt về văn hóa cũng có thể khiến việc sở hữu và điều hành một câu lạc bộ bóng đá châu Âu của các doanh nhân châu Á gặp nhiều khó khăn, theo đánh giá của Chủ tịch người Singapore Chan Lay Hoon của câu lạc bộ Tây Ban Nha Valencia.

“Người Tây Ban Nha thì biểu lộ cảm xúc hơn. Nhưng người Singapore chúng tôi thì kín đáo, dè dặt hơn... Những khác biệt văn hóa như vậy đôi khi cũng dễ gây ra một chút hiểu lầm. Họ có thể nghĩ là chúng tôi lạnh lùng”, AFP trích dẫn lời của bà Chan Lay Hoon.

Còn Giáo sư Chadwich, Đại học Salford, cho rằng: “ Đồng thời, doanh nhân châu Á cũng phải thuyết phục được người châu Âu rằng cách họ dẫn dắt và điều hành là phù hợp và có thể hiệu quả”. Ông nói thêm, các chủ sở hữu đến từ châu Á có thể xem xét “nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia châu Âu dày dạn kinh nghiệm để quá trình chuyển giao quyền sở hữu và điều hành câu lạc bộ được suôn sẻ”.

Riêng đối với các doanh nhân châu Á, để đưa câu lạc bộ thành công, đòi hỏi niềm đam mê lớn và cam kết mạnh mẽ từ đội ngũ quản lý cùng như khả năng biến đam mê đó trở thành kết quả cụ thể. Có như vậy mới có thể làm nên một câu chuyện cổ tích như chiến thắng của Leicester ở giải Ngoại hạng Anh. “Để đưa Aston Villa trở thành một Leicester City thứ 2 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi một dàn quản lý rất chuyên nghiệp, nhiều tài năng và cả vốn mạnh”, ông Lv của Yutang Sports nhận xét.

Thế Sơn

Nguồn CNA

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/song/the-thao/ty-phu-chau-a-do-tien-mua-cau-lac-bo-bong-da-chau-au-3310285/