Tỷ lệ đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, tăng 2% mỗi năm

Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, tăng ở mức 2% mỗi năm.

Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ.

Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Đột quỵ ở người trẻ, tăng 2% mỗi năm

Không hợp tác bác sĩ, la hét và ném đồ khắp nơi là những biểu hiện của bệnh nhân N.C.T (26 tuổi, ngụ TP.HCM), hiện đang nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh tại một bệnh viện ở TP.HCM.

Bà Chi, mẹ bệnh nhân T. kể: “Con tôi đang làm kỹ sư. Công việc của cháu thường xuyên thức khuya. Mỗi lần căng thẳng, cháu còn chơi game giải trí. Trước khi đột quỵ, con tôi đã vừa làm vừa chơi game 3 ngày đêm không ngủ”.

Kết quả chụp MRI của bệnh nhân T.A cho thấy não có tổn thương.

Bà Chi cho biết, các bác sĩ nói T. bị tắc một nhánh động mạch lớn của não, phải điều trị đặc biệt bằng biện pháp can thiệp nội mạch.

“Tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ nói con tôi có dấu hiệu loạn thần, khả năng cao là vì không chịu được cú sốc này”, bà Chi nói.

Tương tự với lối sống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, bệnh nhân P.T.A (21 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng nói chuyện khó, cử động các chi bình thường, tỉnh táo, mạch, huyết áp bình thường.

Theo gia đình chia sẻ, trước đó 2 ngày, T.A bỏ ăn, không nói chuyện và nằm nhiều nên gia đình đưa nhập viện.

Sau thăm khám, kết quả chụp MRI não phát hiện nhồi máu cấp nhân bèo - thùy đảo thái dương và một phần vỏ não thùy trán đính trái.

Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các bác sĩ đang theo dõi và cho dùng thuốc theo chỉ định.

Một trường hợp đặc biệt rất trẻ, chỉ mới 16 tuổi, T.H.H (ngụ Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, phù não nặng, có dùng ma túy đá.

Ông Khoa, bố của H. cho biết cháu thường xuyên tụ tập với bạn xấu, gia đình đã nhiều lần ngăn cấm nhưng không được.

“Cháu về nhà trong trạng thái bần thần, hỏi không trả lời. Sau đó la đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa đến bệnh viện”, ông Khoa kể.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân H. bị xuất huyết, phù não nặng. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân H. dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức là ma túy đá.

Lối sống không lành mạnh, coi thường sức khỏe

BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm Khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM cho biết, các bạn trẻ thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người lớn tuổi nên rất chủ quan và bỏ qua các biểu hiện chóng mặt, nói khó, tê bì nửa người.

“Đột quỵ ở người trẻ có tỷ lệ tăng lên có thể do dị dạng mạch máu não, mạch máu có thể có những túi phình hoặc tắc nghẽn, hay do các bệnh lý mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường)”, BS Hà nói.

BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm Khoa Thần kinh Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM đang thăm khám phản xạ của bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Lâm Ngọc.

Ngoài ra, tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng, trong đó nguyên nhân chủ yếu do lối sống sinh hoạt không lành mạnh.

“Thói quen về sinh hoạt, ăn uống, ít vận động; thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy; thức khuya nhiều là những nguyên nhân gây tỷ lệ người trẻ đột quỵ tăng cao”, BS Hà cho hay.

Tận dụng khung "giờ vàng” trong điều trị đột quỵ

ThS.BS Trần Thiện Trường - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, tổ trưởng tổ đột quỵ Bệnh viện Vũng Tàu nhận định, đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay đối tượng nào. Tuy nhiên, 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được thông qua việc chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống khoa học và nếu bệnh nhân được đưa tới cơ sở y tế cấp cứu trong khung giờ vàng thì tỷ lệ tử vong thấp, ít để lại di chứng sau điều trị.

Theo BS Trường, khung "giờ vàng" trong đột quỵ thường được hiểu là thời gian để thực hiện tái thông cho các trường hợp nhồi máu não kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ. Thời gian vàng cho cấp cứu điều trị là nằm trong khoảng từ 3 - 4,5 tiếng kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

“Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ bao gồm yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng. Người nhà cần ghi nhớ thời điểm này để thông tin lại cho bác sĩ”, BS Trường thông tin.

Hiện nay, có đến khoảng 70% trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời trong khung "giờ vàng".

BS Trường cho biết, khi đột quỵ xảy ra, việc can thiệp cấp cứu cần phải tận dụng sớm từng phút giây. Tuy nhiên, hiện nay có đến khoảng 70% trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời trong khung "giờ vàng". Trong đó, gần một nửa tử vong và số còn lại phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng.

BS Trường khuyến cáo, khi người bệnh xuất hiệu các dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không tự ý cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà; không thực hiện trói tay, chân hoặc sử dụng ngáng miệng người bệnh khi bị co giật; không cạo gió và đặc biệt không được dùng các biện pháp dân gian như chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao không được uống bất cứ thuốc gì, kể cả nước vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở.

“Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Khi người bệnh được đưa đến cấp cứu đột quỵ trong "giờ vàng", tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các kỹ thuật hiệu quả, hiện đại, gồm: Dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch (rTPA), can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ, phẫu thuật”, BS Trường nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ty-le-dot-quy-co-xu-huong-tre-hoa-tang-2-moi-nam-164658.html