Tỷ lệ doanh nghiệp phải lót tay cho Hải quan tăng

Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan đã tăng lên 31% năm 2016 từ mức 28% năm 2015, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh TL

Khảo sát nhận được phản hồi của trên 1.000 doanh nghiệp và được thực hiện theo đơn đặt hàng của ngành Hải quan. Cũng theo khảo sát này, khoảng 31% doanh nghiệp trả lời không biết và 38% doanh nghiệp cho biết không chi trả.

Trong trường hợp không chi trả chi phí không chính thức, liệu doanh nghiệp có bị phân biệt đối xử hay không? Kết quả khảo sát cho thấy 44% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử, 17% nhận thấy rõ bị phân biệt, và 39% doanh nghiệp không biết.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết tại buổi công bố khảo sát ngày 27-4 ở Hà Nội, trong thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ quy trình làm thủ tục hải quan, do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó v.v…mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc bắt lỗi các sơ suất nhỏ của doanh nghiệp để làm khó. Vì vậy, doanh nghiệp thường tự mình bồi dưỡng cho cán bộ Hải quan ở các khâu làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) ông Đặng Thế Lưỡng cho biết thêm, dù hải quan địa phương đã áp dụng khai báo điện tử, nhưng do quá tải nên họ không đáp ứng được thời gian. "Muốn thông quan hàng nhanh, doanh nghiệp lại phải thêm phí bôi trơn", ông Lưỡng nói.

Theo ông Tuấn, chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với hải quan. Do vậy, đề nghị áp dụng cơ chế một cửa và đẩy mạnh khai báo hải quan qua online, giảm khâu làm trực tiếp để giảm tình trạng cán bộ hải quan nhũng nhiễu đòi chi phí ngoài quy định.

Nhiều bất cập trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được các doanh nghiệp chỉ ra trong khảo sát 2016. Cụ thể, 93% doanh nghiệp cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau, nên rất khó cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin và tuân thủ. Kế đến 89% cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% doanh nghiệp nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng.

Đáng lưu ý, 81% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định quá dài. 72% doanh nghiệp cho biết việc chia sẻ kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt, do vậy doanh nghiệp lại mất thêm thời gian để chờ đợi. Cũng có 68% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159550/ty-le-doanh-nghiep-phai-lot-tay-cho-hai-quan-tang.html/