Tỷ giá trung tâm giúp hạn chế ảnh hưởng các cú sốc lớn bên ngoài

Đây là nhận định của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi nhìn lại một năm thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm.

Theo VEPR, biến động tỷ giá chủ yếu diễn ra trong quý 4-2016, sau hai sự kiện lớn tại Mỹ (bầu cử tổng thống tại Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của FED). Ảnh minh họa: H.Dịu.

Kể từ ngày 1-1-2016, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt, xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu.

Nhìn lại một năm thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, VEPR cho rằng, về cơ bản, cơ chế mới đã giúp tỷ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài. Theo đó, tỷ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm 2016, ở ngưỡng 22.154 VND/USD. Đồng thời, biên độ dao động cũng chỉ dưới ±1,5% trong suốt năm. Trong khi đó, tỷ giá bán ra niêm yết tại Vietcombank chỉ tăng 0,55%, với mức dao động ±2,54%.

Theo VEPR, biến động tỷ giá chủ yếu diễn ra trong quý 4-2016, sau hai sự kiện lớn tại Mỹ (bầu cử tổng thống tại Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của FED) đã khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền lớn khác, dẫn tới xáo động trên thị trường tỷ giá của Việt Nam. Yếu tố tâm lý của người dân cũng góp phần làm tỷ giá tăng.

Ngoài ra, tin đồn thiếu cơ sở nhưng lại dễ lan tỏa về khả năng đổi tiền (dựa trên thực tiễn của Ấn Độ gần đây trong việc thu hồi đồng 1.000 Rupee) đã làm cho người dân lo ngại, và có khuynh hướng mua tích trữ USD và vàng, khiến thị trường phi chính thức có những xáo động bất lợi.

Riêng trong quý 4, tỷ giá tham chiếu và tỷ giá bán ra tại Vietcombank đã tăng lần lượt 0,98% và 2,10% so với cuối quý 3. Tuy nhiên, nếu theo dõi thị trường liên ngân hàng thì có thể thấy cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Có thể lý giải điều này là do tỷ giá bên ngoài có tăng, nhưng lượng giao dịch không thực sự lớn để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường trong hệ thống ngân hàng.

“Hơn nữa, khả năng Ngân hàng Nhà nước can thiệp là hoàn toàn có thể, do lượng dự trữ tương đối dồi dào, giúp tạo ổn định thị trường. Do đó, có thể nói trong giai đoạn cuối năm 2016 cho đến Tết Nguyên đán và đầu năm 2017, NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật”, báo cáo của VEPR cho biết.

Đồng thời, VEPR khuyến cáo Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ trên khía cạnh tuyên truyền, nhằm giúp dư luận hiểu rõ thực chất tình hình và không gây ra những xáo trộn tâm lý trên diện rộng.

Cũng theo VEPR, dự trữ ngoại hối tiếp tục được bổ sung trong quý 4, nâng tổng mức dự trữ ước tính lên tới 41 tỷ USD. Đồng thời, duy trì mức dự trữ đạt trên 2,5 tháng nhập khẩu.

“Theo nhận định của chúng tôi, quá trình trung hòa lượng tiền Việt đẩy ra thị trường để mua USD đã được thực hiện uyển chuyển, chặt chẽ để không gây dư tiền mặt trong nền kinh tế dẫn tới lạm phát, nhưng cũng không quá chặt để không gây căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng, từ đó góp phần hạ hoặc ít nhất kìm giữ không tăng lãi suất để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của VEPR nêu rõ.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ty-gia-trung-tam-giup-han-che-anh-huong-cac-cu-soc-lon-ben-ngoai.aspx