Tỷ giá tăng sốc, vượt mốc 24.000 đồng/USD

Trong chiều muộn ngày 14/8, đồng USD tăng rất nóng và dễ dàng vượt mốc 24.000 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND vượt mốc 24.000 đồng/USD

Tỷ giá ngày 14/8 bắt đầu “nóng” lên từ cuối giờ sáng với đà tăng khoảng 30-40 đồng/USD. Những tưởng mức giá cao được duy trì đến hết phiên vì ngay trước giờ đóng cửa, đồng USD vẫn tạm thời “nghỉ ngơi”.

Thế nhưng, vào lúc chiều muộn, tỷ giá USD/VND đã nóng lại càng nóng hơn khi tăng thêm 40 đồng/USD và vượt mốc 24.000 đồng/USD chiều bán ra.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), tỷ giá USD/VND chốt ngày 14/8 ở mức: 23.620 đồng/USD – 24.040 đồng/USD, tăng 92 đồng/USD, tương đương 0,4% so với đầu giờ sáng.

Trong chiều muộn ngày 14/8, sau khi tăng nóng, đồng USD tăng rất nóng và dễ dàng vượt mốc 24.000 đồng/USD. Ảnh minh họa

Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã chạm mốc 24.000 đồng/USD. Ở thời điểm đóng cửa, tỷ giá USD/VND được Eximbank niêm yết ở mức: 23.550 đồng/USD – 24.000 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có giá bán ra USD cao nhất lên đến 24.060 đồng/USD. Giá mua vào USD bằng tiền mặt tại OCB là 23.646 đồng/USD, tăng 116 đồng/USD chiều mua vào và tăng 100 đồng/USD chiều bán ra.

Trong khi đó, tại một số ngân hàng khác, tỷ giá cũng đang tiến rất gần đến cột mốc quan trọng 24.000 đồng/USD.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chốt tỷ giá ngày 14/8 ở mức: 23.650 đồng/USD – 23.990 đồng/USD, tăng 80 đồng/USD, tương đương 0,33% so với cuối tuần trước.

Tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đóng cửa phiên đầu tuần ở mức 23.670 đồng/USD – 23.970 đồng/USD, tăng 60 đồng/USD so với cuối tuần trước.

Đồng USD lên “đỉnh” 1 tháng

Tỷ giá USD/VND tăng nóng lên mốc 24.000 đồng/USD chiều bán ra ngay ở thời điểm “đóng cửa” ngày. Đồng USD nóng lên trong bối cảnh đồng USD cũng tăng vọt trên thị trường thế giới.

Vào cuối phiên giao dịch châu Âu (phiên chiều giờ Việt Nam) và đầu phiên giao dịch thị trường Mỹ (tối theo giờ Việt Nam), đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn một tháng khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các thương nhân đang tìm kiếm sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản sau khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.

DXY, chỉ số đô la theo dõi tiền tệ so với các đồng tiền chính đã tăng 0,26% lên 103,15 vào thứ Hai, mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 7. Đồng bảng Anh lần cuối giảm 0,26% xuống 1,266 đô la, trong khi đồng euro giảm 0,28% xuống 1,092 đô la. Các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư đang mua đồng đô la và coi đây là nơi trú ẩn an toàn do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc.

Họ cũng chỉ ra sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ nhờ vào sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế nước này, vốn đã hỗ trợ đồng tiền này. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ được giao dịch ở mức khoảng 4,18% vào thứ Hai, chỉ kém mức cao nhất trong 9 tháng được chạm vào tuần trước.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng Country Garden, nhà phát triển tư nhân lớn nhất Trung Quốc, lần đầu tiên đang tìm cách trì hoãn thanh toán trái phiếu tư nhân trong nước, trong một dấu hiệu căng thẳng mới trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, hai công ty niêm yết của Trung Quốc cuối tuần qua cho biết họ chưa nhận được khoản thanh toán cho các sản phẩm đầu tư đáo hạn từ công ty quản lý tài sản Zhongrong International Trust Co.

Đồng USD và yên Nhật đang trở thành tâm điểm của thị trường tiền tệ toàn cầu. Ảnh: Reuters

Chris Turner, người đứng đầu bộ phận thị trường tại ING, cho biết: “Lợi suất trái phiếu Mỹ cao và môi trường có vẻ xấu đi trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc đang đè nặng lên các tài sản rủi ro”.

Ông cho biết đồng đô la có thể sẽ tiếp tục mạnh "trừ khi chính quyền Trung Quốc có thể gây bất ngờ bằng một số biện pháp kích thích mạnh mẽ".

Đồng yên của Nhật Bản được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ ngày 10 tháng 11 ở mức 145,36 mỗi đô la, với đồng đô la tăng 0,29% so với đồng tiền này. Ngân hàng Nhật Bản đã mắc kẹt với chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình khi các ngân hàng trung ương toàn cầu khác tăng lãi suất, khiến lợi nhuận ở các quốc gia khác trông hấp dẫn hơn và đè nặng lên đồng yên.

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào tháng 9 năm ngoái khi đồng đô la tăng quá 145 yên, khiến Bộ Tài chính (MOF) mua đồng yên và đẩy cặp tiền này trở lại khoảng 140 yên. Đồng yên giảm gần 10% so với đồng đô la trong năm.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ty-gia-tang-soc-vuot-moc-24000-dong-usd-post260415.html