Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Cán bộ BHXH huyện Nam Đông tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

“Mưa dầm, thấm sâu”

Trước đây, anh Nguyễn Văn Tuấn trú tại xã Phong Sơn, Phong Điền luôn nghĩ rằng khi cuộc sống chưa đầy đủ thì chưa tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng khi hiểu được giá trị của chính sách an sinh, anh đã thay đổi suy nghĩ. Sự kiện khiến anh Tuấn thay đổi suy nghĩ khi anh được cán bộ BHXH huyện Phong Điền và đại lý thu đến tận nhà tuyên truyền về ý nghĩa, quyền lợi, mức đóng của BHXH tự nguyện. Với những chia sẻ tận tình, anh dần hiểu rõ về mức đóng, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, từ đó quyết định tham gia vào lưới an sinh.

“Hai vợ chồng đều là lao động tự do, bản thân làm nghề sửa xe máy còn vợ bán hàng tạp hóa ở chợ nên thu nhập bấp bênh. Hơn nữa, hiện hai vợ chồng mới ngoài 40 tuổi đang còn sức lao động nên tham gia BHXH tự nguyện như hình thức tiết kiệm để sau này có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho con cháu lúc tuổi già”, anh Tuấn chia sẻ.

Chị Dương Thị Linh trú tại phường Thủy Xuân, TP. Huế cũng quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng sau khi nghe cán bộ BHXH tỉnh tư vấn, giới thiệu về các lợi ích và quyền lợi của chính sách này. “Qua tìm hiểu tôi thấy mức đóng BHXH tự nguyện rất đa dạng, hợp lý, đặc biệt là những mức đóng thấp khá phù hợp với bản thân. Chỉ với 297.000 đồng/tháng, song được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe, sau này về già được hưởng lương hưu. Đây là điều kiện tích lũy để mình có lương hưu sau này”, chị Linh giải thích.

Là một trong những người trực tiếp tư vấn về BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm An sinh Thừa Thiên Huế cho rằng, hoạt động tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm, thấm sâu”, truyền thông trực tiếp nhóm nhỏ hay “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thường xuyên được đơn vị triển khai và đem lại hiệu quả cao.

“Thông qua những lần đối thoại, chia sẻ gần gũi của tuyên truyền viên, nhận thức của người dân về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đã nâng cao. Người dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa và quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, bản thân tôi cùng với các đồng nghiệp luôn tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia theo cách “mưa dầm, thấm sâu”; lập danh sách, rà soát những người chưa tham gia, đi từng nhà, gặp từng người để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với bà con, giúp bà con hiểu, nắm được quyền lợi, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước”, chị Hương chia sẻ.

Cán bộ BHXH Phong Điền tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo số liệu từ BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh có gần 17.400 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 455 người so với tháng trước.

Mặc dù tham gia BHXH tự nguyện có những lợi ích nhất định khi được sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng theo lãnh đạo BHXH tỉnh, việc phát triển đối tượng tham gia còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì đối tượng đã tham gia cũng gặp không ít trở ngại. Ðặc biệt, khi áp dụng Nghị định 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện điều chỉnh theo hướng tăng thêm. Theo đó, mức tham gia thấp nhất 297.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng của năm 2021. Ðiều này gây ra những khó khăn nhất định trong công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Theo quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng mà người tham gia tự lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và không cao hơn 20 lần mức lương cơ sở. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 297.000 đồng/tháng và cao nhất là 7.887.000 đồng/tháng.

Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Để thu hút người dân tham gia, sắp tới BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giải thích về sự thay đổi mức đóng, mức hỗ trợ của Nhà nước và quyền lợi được hưởng để người dân hiểu rõ. Bên cạnh đó, tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các đại lý thu BHXH, BHYT, các cộng tác viên nhằm góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân. Trong đó, xác định lộ trình, tiến độ thực hiện, đồng thời áp dụng linh hoạt, kịp thời các giải pháp, đề xuất các nội dung, phần việc cụ thể để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/tuyen-truyen-bhxh-tu-nguyen-tu-thau-hieu-den-hanh-dong-138784.html