Tuyển thủ bóng đá quốc gia tập trung sớm: Vì sao?

Ngày 24-9, đội tuyển bóng đá quốc gia (ĐTQG) sẽ tập trung, nghĩa là nhiều tuyển thủ chỉ có vỏn vẹn 5 ngày nghỉ sau khi V.League 2016 kết thúc (chiều 18-9). Trong khi đó, còn gần 2 tháng nữa AFF Cup 2016 mới khai cuộc. Vì sao HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng không dành thêm chút thời gian cho các tuyển thủ “thả lỏng” sau một mùa giải mệt nhọc?

Vấn đề này đã được đặt ra với HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng bởi ở nhiều lần tập trung ĐTQG trước đây, một số chuyên gia bóng đá cho rằng thời gian tập trung đội dài quá có thể mang lại “tác dụng ngược”. Việc vừa kết thúc 8 tháng thi đấu ở V.League đã phải tập luyện ngay sẽ khiến các tuyển thủ không kịp phục hồi thể lực.

HLV Nguyễn Hữu Thắng (thứ 2 bên phải) và các học trò.

Từng là cầu thủ, HLV Hữu Thắng hiểu rõ mỗi cầu thủ còn có cuộc sống ngoài bóng đá, có gia đình và có nhu cầu nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng ông có lý do riêng cho quyết định của mình, bởi nền bóng đá Việt Nam hiện còn có khoảng cách so với thế giới. Ở các nước, dù đang trong kỳ nghỉ thì các cầu thủ vẫn tuân thủ giáo án tập luyện để hồi phục sức khỏe và duy trì thể lực. Ở Việt Nam thì khác, các cầu thủ chưa chuyên nghiệp đến vậy. Trao đổi với báo giới, HLV xứ Nghệ chia sẻ: “Tôi rất muốn các cầu thủ được nghỉ 2 tuần sau V.League. Nhưng nếu thả lỏng 2 tuần mà tính chuyên nghiệp chưa cao, chắc chắn nền tảng thể lực của các cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh AFF Cup 2016 đã ở trước mắt, ĐTQG cần có thời gian điều chỉnh, lắp ráp đội hình. Tôi sẽ có giải pháp giúp cầu thủ giải tỏa tâm lý “ngán bóng đá” sau một mùa giải mệt nhọc, giúp cầu thủ tự cân bằng tâm lý, hiểu trách nhiệm của mình với đội tuyển và trách nhiệm với xã hội”.

Tính chuyên nghiệp của một nền bóng đá là chuyện không thể có được trong một sớm một chiều, mà phải dựa vào rất nhiều yếu tố. Ngay việc Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh thi đấu ở các CLB tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không nằm ngoài lộ trình xây dựng tính chuyên nghiệp đó. Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách chuyên môn LĐBĐ Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Bộ ba cầu thủ này, dù chưa được ra sân thi đấu thường xuyên trong đội hình các CLB của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng khi ở trong môi trường bóng đá hiện đại, họ học hỏi được rất nhiều điều, được rèn luyện bài bản. Tôi đã trực tiếp xem Tuấn Anh tập luyện cùng CLB Yokohama FC và thấy được sự tiến bộ rõ rệt của cầu thủ này. HLV trưởng của CLB này đã đưa ra những đánh giá rất thực tế, chi tiết về cả điểm mạnh, điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam”. Còn HLV Nguyễn Hữu Thắng khẳng định: “Về phong độ thì phải chờ thực tế, nhưng tôi rất tin ở nền tảng thể lực, ý chí tiến thủ của bộ ba cầu thủ này khi được đào tạo trong môi trường bóng đá hiện đại”.

Cũng nhắm mục tiêu từng bước chuyên nghiệp hóa nền bóng đá nước nhà, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Có thể thấy sự thay đổi tích cực ở đợt tập trung cho AFF Cup lần này. VFF sẽ giao cho giám đốc kỹ thuật người Đức nhiệm vụ theo dõi một số đối thủ ở bảng đấu tại Philippines để có báo cáo chuyên môn tốt, giúp HLV trưởng xây dựng, định hướng lối chơi”.

Kế hoạch hoạt động của ĐTQG chuẩn bị AFF Cup 2016

Đội tuyển quốc gia sẽ tập huấn trong nước từ ngày 24-9 đến 12-10 tại TP Hồ Chí Minh, thi đấu giao hữu với đội tuyển CHDCND Triều Tiên vào ngày 6-10, trên SVĐ Thống Nhất. Từ ngày 12 đến 15-10, đội sẽ sang Jakarta thi đấu giao hữu với ĐTQG Indonesia. Từ ngày 15 đến 28-10, đội tập huấn ở Hàn Quốc, dự kiến thi đấu 3 trận (20, 25 và 28-10). Từ ngày 30-10 đến 15-11, đội tuyển về Hà Nội, dự kiến có 2 trận thi đấu giao hữu kiểm tra đội hình trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình (vào ngày 2 và 9-11). Từ ngày 15-11 đến 17-12: Thi đấu AFF Cup 2016 tại Myanmar.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/V-League/849268/tuyen-thu-bong-da-quoc-gia-tap-trung-som-vi-sao