Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Thí sinh không chỉ thi duy nhất một kỳ thi?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ dùng kết quả để làm căn cứ xét tốt nghiệp, vào đại học. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT còn cho phép các trường đại học, cao đẳng được kiểm tra để nhận thí sinh, khiến không ít ý kiến lo lắng về việc nảy sinh một kỳ thi, kiểm tra tiếp theo để vào đại học.

Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học tổ chức kiểm tra đầu vào khiến nhiều thí sinh lo lắng về một kỳ thi thứ hai. Ảnh minh họa: Q.Anh

ĐH, CĐ sẽ tổ chức thi năng lực

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, các trường xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT Quốc gia phải công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường, trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành, trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết. Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Trường hợp các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan với điều kiện phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi và cách tính điểm xét tuyển”.

Lo lắng về hai kỳ thi liên tiếp

Trước việc Bộ GD&ĐT thay đổi rất nhiều về phương thức thi cử ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017 như thi môn thi tổ hợp, tổ chức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn (trừ Ngữ văn), nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh lo ngại về việc vất vả, áp lực để vừa học ôn, vừa làm thử các đề thi ra theo dạng mới. Chưa hết, để trải qua kỳ thi THPT Quốc gia 2017, các thí sinh nếu muốn vào đại học rất có thể sẽ phải trải qua một kỳ thi, kiểm tra năng lực, năng khiếu tiếp theo mà Bộ sẽ cho phép.

Lo lắng cho kỳ thi năm tới, thí sinh Nguyễn Đức Long (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian này em cũng chỉ biết cố gắng ôn tập, nắm chắc kiến thức và chờ thầy cô định hướng ôn tập, làm các đề thi thử. Nhưng em cũng không biết mình sẽ thi cử ra sao, bởi năm nay là lần đầu thi môn tổ hợp, theo trắc nghiệm nữa. Nếu kết quả không tốt, sẽ ảnh hưởng tới việc xét tuyển vào đại học. Mà xét tuyển đại học, cao đẳng năm tới cũng thay đổi nhiều, không biết các trường có tổ chức thi kiểm tra “đầu vào” thêm như Bộ GD&ĐT cho phép hay không”.

Cảm thấy việc các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực như một kỳ thi tiếp theo, Nguyễn Minh Hạnh (ở Đống Đa, Hà Nội) đang học lớp 12 cho biết: “Chúng em lo cho kỳ thi quốc gia cũng đã vất vả rồi, bây giờ Bộ GD&ĐT cho phép các trường tổ chức thêm một kỳ thi nữa là rất căng thẳng, mệt mỏi. Em nghĩ, để đảm bảo chất lượng “đầu vào” sẽ có nhiều trường nhóm “top trên” sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực. Như vậy, vô hình trung một số thí sinh sẽ phải thi không chỉ một mà vài kỳ thi liên tiếp”.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): “Các trường muốn sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia hay xét tuyển dựa trên kết quả học THPT đều phải cụ thể hóa bằng phương án tuyển sinh riêng của trường và được công bố công khai. Bộ sẽ cho phép các trường tổ chức kiểm tra nếu trường thấy phù hợp với điều kiện, đặc thù của đào tạo. Những Quy định sẽ được cụ thể hóa trong quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2017 và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017”.

Theo Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; các trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế. Các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm. Các phương thức tuyển sinh bao gồm: xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT Quốc gia; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Theo Quang Anh (GĐ&XH)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tuyen-sinh-dh-cd-2017-thi-sinh-khong-chi-thi-duy-nhat-mot-ky-thi-d47315.html