Tuyển sinh đại học năm 2024: Thêm ngành học mới, tăng cơ hội cho thí sinh

Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học mở thêm các ngành học mới nhằm đa dạng hóa ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp.

Nhiều ngành mới hấp dẫn

Năm nay, nhiều trường mở các ngành mới liên quan đến khoa học công nghệ, năng lượng mới, ngôn ngữ, nghệ thuật. Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh 6 ngành mới với 400 chỉ tiêu, trong đó có 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ kinh tế là: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo. Việc mở các ngành liên quan đến nhóm công nghệ để nhà trường chuẩn bị thành lập Trường Đại học Công nghệ trực thuộc, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Giờ học Ngữ văn của cô và trò lớp 12 Trường THPT Việt Yên số 1.

Theo xu thế đào tạo đa ngành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở thêm 2 ngành đào tạo mới là: An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc. Sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo giữa nhà trường và Đại học Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây theo chương trình học 2 năm tại trường và 2 năm tại Trung Quốc. Ngành “hot” nhất hiện nay đang thiếu nhân lực trên toàn cầu được Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mở thêm là chuyên ngành vi điện tử với 100 chỉ tiêu để cung cấp nguồn kỹ sư chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả tốt nghiệp THPT kết hợp kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Là năm cuối tuyển thế hệ học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, các trường đại học cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh, chỉ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển. Trong đó, các ngành mới mở chủ yếu được tuyển theo 3 phương thức chính là: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Đến nay, hầu hết các trường đại học đều công bố đề án tuyển sinh giúp học sinh chủ động phương án ôn tập, lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đại học mở thêm ngành học mới là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Mục tiêu của ngành Giáo dục Bắc Giang là không chỉ hoàn thành tốt nghiệp mà học sinh còn phấn đấu đạt điểm cao giành ưu thế vào đại học. Bởi vậy những em đăng ký tuyển sinh đại học sẽ phải nắm chắc các nội dung tổng hợp, mở rộng bài học theo chương trình sách giáo khoa và cấu trúc bộ đề minh họa để đạt điểm cao trong các kỳ thi riêng.

Nắm chắc kiến thức liên môn

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có hơn 18 nghìn học sinh lớp 12. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thời điểm này, thầy và trò các trường THPT đang nỗ lực vừa giảng dạy theo chương trình, vừa học và ôn luyện đáp ứng các phương thức tuyển sinh. Năm học này, Trường THPT Yên Thế có hơn 400 học sinh lớp 12.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có hơn 18 nghìn học sinh lớp 12. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thời điểm này, thầy và trò các trường THPT đang nỗ lực vừa giảng dạy theo chương trình, vừa học và ôn luyện đáp ứng các phương thức tuyển sinh.

Thầy giáo Vũ Đình Nghiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường thường xuyên cập nhật thông tin về đề án tuyển sinh của các trường để kịp thời điều chỉnh cách thức giảng dạy và ôn tập. Các tổ bộ môn vừa bám sát chương trình, vừa mở rộng liên hệ thực tế theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức những năm gần đây để học sinh làm quen.

Đặt mục tiêu nguyện vọng 1 vào ngành mới mở là trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, em Nguyễn Thái Anh, lớp 12, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) cho biết: "Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển theo 3 phương thức, trong đó dành 80% chỉ tiêu cho phương thức xét kết hợp bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì vậy, em đang tập trung cao ôn luyện, mở rộng kiến thức, đặc biệt là kiến thức tích hợp liên môn, câu hỏi ứng dụng thực tế để tham gia thi đánh giá năng lực”.

Riêng với môn ngoại ngữ, các trường chú trọng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để các em có thể dự thi lấy chứng chỉ quốc tế, thêm cơ hội xét tuyển. Tiếng Anh là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng ngay từ đầu năm học, Trường THPT Lục Ngạn số 1 đã hướng dẫn học sinh, nhất là các em mới vào lớp 10 chú trọng học Tiếng Anh để đến khoảng kỳ II của năm học lớp 11 tham gia thi lấy chứng chỉ IELTS. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, nhà trường có 80 thí sinh có chứng chỉ IELTS đăng ký xét tuyển vào đại học, trong đó có nhiều em đạt từ 7.5 đến 8.0.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên giảng dạy lớp 12, với phương thức tuyển sinh hiện nay, để vào được các ngành “hot”, học sinh phải nắm vững toàn bộ nội dung cơ bản của các môn và biết suy luận chứ không chỉ làm theo các bài tập mẫu hay các dạng đề như cách ôn thi truyền thống. Bên cạnh đó, học sinh cần nắm chắc kiến thức liên môn, ôn luyện theo cấu trúc đề minh họa do các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng công bố.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở yêu cầu các trường THPT vừa giảng dạy theo đúng khung chương trình lớp 12, vừa xâu chuỗi kiến thức, mở rộng liên hệ thực tế để học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu tuyển sinh, kể cả những đề án tuyển sinh khắt khe của những trường đại học tốp đầu cả nước. Cùng với chủ động ôn luyện, bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu tuyển sinh, các trường chú trọng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là những ngành nghề mới có thể đáp ứng vị trí việc làm cụ thể trong xã hội hiện nay. Thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề mới, cân nhắc, tính toán đến cơ hội việc làm để lựa chọn ngành học, tránh tình trạng không tìm được việc làm khi ra trường.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/419819/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-them-nganh-hoc-moi-tang-co-hoi-cho-thi-sinh.html