Tuyển sinh đại học 2024: Thí sinh nhiều lựa chọn với 20 phương thức xét tuyển

Với 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024, thí sinh có nhiều lựa chọn để đăng ký vào những ngành nghề yêu thích…

Lưu ý với các phương thức xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa công bố 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024 để các trường thống nhất cách thức xét tuyển và giúp thí sinh nắm rõ thông tin khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào từng trường. Cụ thể, các phương thức xét tuyển năm nay bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức; sử dụng kết quả thi văn hóa do cơ sở đào tạo khác tổ chức.

Học sinh Hà Nội được tư vấn các mốc thời gian quan trọng trong đợt xét tuyển ĐH 2024

Đáng chú ý là có nhiều phương thức xét tuyển kết hợp, bao gồm: Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT; kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài; kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn; sử dụng phương thức khác.

Cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT cho biết, kết thúc thời hạn đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024, cả nước đã có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống đăng ký thi của Bộ GD-ĐT. Con số này tương đương năm trước với 1.024.063 thí sinh. Trong số 63 tỉnh thành, Hà Nội là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất cả nước với 109.078 thí sinh; tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 88.196 thí sinh; Thanh Hóa với 38.677 thí sinh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi có quy mô lớn bằng 1/10 cả nước, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2024 gồm 70 thành viên do Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy chế thi tốt nghiệp THPT; quy chế tuyển sinh THCS, THPT; quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên; quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong vào ngày 27 và 28-6 với tổng số 6 môn thi.

Thông thường mỗi trường thường sử dụng từ 4-5 phương thức xét tuyển, trong đó phổ biến nhất vẫn là xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng. Một điểm đáng lưu ý được Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh là thí sinh đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để biết ngành học, trường mà mình muốn đăng ký đang sử dụng những phương thức nào, thời gian nộp hồ sơ ra sao... để có kế hoạch và quyết định chọn phương thức xét tuyển phù hợp, đặc biệt với các phương thức xét tuyển sớm. Theo đó mỗi trường sẽ quy định thời gian nhận hồ sơ khác nhau và trước thời điểm thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, thí sinh có thể sẽ bị lỡ mất cơ hội nếu không nắm rõ các mốc thời gian do từng trường quy định cho mỗi phương thức tuyển sinh của trường đó.

Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng khi đăng ký trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT

Các trường không được phép thu phí giữ chỗ

Với phương thức xét tuyển sớm của nhiều trường đại học đang áp dụng hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ...). Đồng thời, các trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường; không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19-8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 27-8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Đối với việc tổ chức đăng ký xét tuyển sớm, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống chậm nhất 17h ngày 10-7 và chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các trường có trách nhiệm rà soát danh sách thí sinh đã thông báo đủ điều kiện trúng tuyển. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển như đã thông báo, các trường phải kịp thời liên hệ, thông báo cho thí sinh biết và có phương án hỗ trợ thí sinh; tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm mức điểm trúng tuyển) để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh.

Mỗi trường sẽ có quy định riêng về thời hạn tuyển sinh cho từng phương thức xét tuyển

Theo đó, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường điều chỉnh và công khai mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển với các tổ hợp xét tuyển khác nhau trên trang thông tin điện tử của trường và cập nhật vào hệ thống. Đối với các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, các trường sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào chậm nhất 17h ngày 22-7. Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh của các trường phải đảm bảo đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Các nhà trường cần đảm bảo việc áp dụng quy định về điểm ưu tiên cho tất cả phương thức xét tuyển đúng quy định của quy chế tuyển sinh; không được yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội).

Những mốc thời gian quan trọng

Bộ GD-ĐT đã chốt lịch tuyển sinh thông qua việc ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Theo kế hoạch này, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 18 đến 17h ngày 30-7. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng (không giới hạn số lần).

Từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8 thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Chậm nhất ngày 21-7 Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với các khối ngành sức khỏe, sư phạm, rồi xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13-8 đến 17h ngày 17-8.

Trước 17h ngày 19-8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Đến 17h ngày 27-8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học (bằng hình thức trực tuyến).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. “Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển. Như vậy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1 chắc chắn sẽ trúng tuyển” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Học sinh lớp 12 lúng túng chọn nghề

“Không ít trường hợp thí sinh đăng ký tới 10 nguyện vọng nhưng vào 10 ngành khác nhau. Điều này cho thấy bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình nên dù trúng tuyển đại học cũng không đồng nghĩa sẽ có việc làm phù hợp” - đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Băn khoăn nguyện vọng xét tuyển đại học

“Chỉ một thời gian ngắn nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bắt đầu. Ngày 18-7, chúng em bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, em vẫn vô cùng băn khoăn về lựa chọn ngành nghề. Bản thân em thích nghề kế toán, nhưng lại lo lắng bão hòa nhân lực ngành này trên thị trường lao động” - em Trần Tuấn Anh, học sinh trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội chia sẻ. Tương tự, em Phạm Ngọc Linh - học sinh lớp 12A1, trường THPT Đồng Quan, Hà Nội cũng cho biết: “Em muốn theo các trường đào tạo chuyên sâu về ngành Kinh tế, khối ngành Khoa học tự nhiên. Hiện tại em vẫn còn đang băn khoăn về việc lựa chọn trường và cũng lo ngại về cạnh tranh đầu ra khi tìm việc làm vì khối kinh tế, tài chính vẫn luôn được nhiều học sinh lựa chọn”.

Phản ánh tình trạng học sinh lớp 12 sát thời điểm đăng ký nguyện vọng vẫn chưa biết chọn ngành nghề nào phù hợp, bà Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm ngoái có trường hợp học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Nguyện vọng 1 ngành Quản trị kinh doanh, nguyện vọng 2 ngành Luật, nguyện vọng 3 ngành Du lịch… “Điều này cho thấy bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình. Và việc trúng tuyển đại học không đồng nghĩa với việc học sinh này sẽ tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp”- bà Hoàng Thúy Nga phân tích.

Thứ tự 5 bước để chọn nghề đúng

Trả lời câu hỏi làm thế nào để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng, TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Đại học Thành Đô chia sẻ: “Có bạn sẽ vừa muốn làm luật sư, vừa muốn làm giám đốc doanh nghiệp. Hai ngành này đều “hot” và tỉ lệ tốt nghiệp có việc làm trên 90%”. Để có được quyết định phù hợp trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, TS Nguyễn Thúy Vân đưa ra 5 bước chọn nghề: “Các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích; xác định thế mạnh bản thân; tìm hiểu các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí nào đối với ngành nghề mình theo học; xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của xã hội; cuối cùng là phải căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề cho phù hợp”.

TS. Đỗ Thị Vân Dung - Phó Trưởng Khoa Kinh tế đô thị, Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, cơ hội nghề nghiệp đối với nhóm ngành kinh tế rất nhiều. “Chúng ta đều thấy, kinh tế là ngành làm nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của xã hội. Vì thế, vị trí việc làm của khối ngành kinh tế rất đa dạng, từ các vị trí trong những cơ quan chính phủ, bộ, ngành, đến ngoài Nhà nước, kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính, phân tích quản trị rủi ro, bảo hiểm, logistic…”.

Đại diện Đại học Công nghệ Giao thông vận tải phân tích, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển theo mô hình kinh tế thị trường. Hàng hóa, công việc liên quan đều bị chi phối bởi quy luật cung - cầu đòi hỏi nguồn nhân lực lao động chất lượng cao. Do vậy nhu cầu về lao động cho khối ngành Kinh tế luôn luôn gia tăng cho nên thu hút phần lớn lao động để cung ứng. Điều này dẫn đến thí sinh đổ dồn học các ngành thuộc khối kinh tế để dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Theo chuyên gia này, ngoài cơ hội việc làm rất nhiều, mức lương trung bình sau tốt nghiệp của khối ngành Kinh tế, Tài chính trung bình tầm 8-15 triệu đồng. Khối ngành Logistics, Thương mại điện tử, Quản trị maketing mức trung bình 12-15 triệu đồng.

Sĩ tử vào “lò luyện” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chỉ còn khoảng hơn 40 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024 sẽ diễn ra. Trong giai đoạn nước rút này, không khí ôn tập cho học sinh lớp 12 tại các “lò” luyện thi sôi nổi hơn bao giờ hết.

Các sĩ tử gấp rút ôn luyện trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024

Chạy nước rút trước kỳ thi

Chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô, TS. Phạm Hữu Cường (giảng viên dạy môn Ngữ Văn) - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Cường Phát Hà Nội cho biết, trong giai đoạn này, trung tâm đang ôn tập nước rút cho các sĩ tử lớp 12. Vào thời điểm gần kỳ thi tốt nghiệp THPT, số lượng học sinh theo học tại trung tâm không tăng bởi phần lớn các em đã ôn luyện từ giai đoạn cuối lớp 11 và khoảng đầu lớp 12. “Ngoài ra, trung tâm kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến để các em học sinh ở xa có thể dễ dàng ôn luyện” - TS. Phạm Hữu Cường chia sẻ. Dựa theo năng lực học tập của học sinh, trung tâm chia lớp ôn tập phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh việc yêu cầu giáo viên phụ trách bộ môn ôn luyện tăng cường thêm thời gian luyện tập, trung tâm còn bám sát nội dung thi tốt nghiệp THPT để học sinh có thể định dạng được đề thi, có hướng ôn tập bám sát các kiến thức đã học.

TS. Phạm Hữu Cường - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Cường Phát

Em Hoàng Xuân Long - học sinh lớp 12E7 trường THPT Marie Curie chia sẻ, trong giai đoạn này em tập trung ôn tập, hệ thống lại những kiến thức đã học và chủ yếu dành thời gian “luyện” đề. Ngoài việc học ở trường, em còn ôn luyện thêm ở trung tâm để có thể nâng cao kỹ năng làm bài thi với nhiều dạng đề khác nhau.

Em Hoàng Xuân Long (áo đen) - học sinh lớp 12E7 trường THPT Marie Curie

Ôn luyện thế nào cho hiệu quả?

Đối với mỗi sĩ tử, giai đoạn nước rút là quan trọng nhất trong suốt quá trình học tập và tích lũy kiến thức. Đây là khoảng thời gian sát kỳ thi nên những kiến thức tích lũy được trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả bài thi. Vì vậy, học sinh cần nắm được phương pháp luyện tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi để đạt kết quả cao trong kỳ thi quan trọng sắp tới.

TS. Phạm Hữu Cường đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử: “Các em cần tập trung hệ thống lại kiến thức cơ bản và trọng tâm bằng phương pháp sơ đồ tư duy để có thể dễ dàng ghi nhớ và đạt hiệu quả trong quá trình ôn luyện. Đồng thời, phải rèn luyện kỹ năng phản xạ nhanh với nhiều tình huống đề để có thể giải quyết đề bài một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện”.

Giảng viên Bùi Thị Ánh Dương - Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ phương pháp ôn luyện môn Tiếng Anh

Cô Bùi Thị Ánh Dương - giảng viên Bộ môn Tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, đối với bài thi môn Tiếng Anh, các bạn cần rà soát lại các chuyên đề ngữ pháp từ lớp 10 - 12 và củng cố, nâng cao vốn từ vựng. Đối với phần đọc hiểu, thí sinh cần rèn luyện cho mình kỹ năng và có chiến lược làm bài hiệu quả trong thời gian cho phép. “Điều quan trọng nhất là giữ sức khỏe tốt, tinh thần tốt. Không nên thức quá khuya, các em cần sắp xếp và quản lý thời gian học tập phù hợp” - cô Bùi Thị Ánh Dương nói.

Thầy Dương Văn Hùng - giáo viên Bộ môn Hóa, trường THPT Everest Hà Nội lưu ý, học sinh cần chú trọng vào các phần lý thuyết của từng chương và hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy. Cần chú ý ôn lại các dạng bài cơ bản, bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024. Bên cạnh đó, học sinh cần giữ tâm lý vững vàng, chăm chú ôn tập nhưng cũng cần kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, với những vấn đề vướng mắc, các em nên trao đổi với bạn bè, thầy cô để tìm được câu trả lời thỏa đáng thay vì loay hoay mất quá nhiều thời gian tự tìm kiếm, thậm chí hoài nghi năng lực của chính bản thân mình.

Ngô Thái Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2024-thi-sinh-nhieu-lua-chon-voi-20-phuong-thuc-xet-tuyen-post576071.antd