Tuyển sinh 2014: Ủng hộ tự chủ nhưng vẫn “bám” Bộ

(HNMO)- Đa số ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH trong cả nước đều ủng hộ chủ trương của Bộ cho phép tự chủ tuyển sinh, nhưng phải có bước “quá độ’ và thời gian chuẩn bị.

Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 của các trường CĐ-ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay (28-12), sớm hơn thông lệ hàng năm, trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với việc bàn thảo về quyền chủ tuyển sinh.

Tham dự Hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng các Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Phạm Mạnh Hùng, Trần Quang Quý và hơn 600 đại biểu đại diện các nhà trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.

Bộ đã lường để không gây “sốc” cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, do xuất phát điểm của các trường không đồng đều và sự đa dạng của giáo dục ĐH. Hơn nữa, tuyển sinh luôn là vấn đề nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nên việc đổi mới công tác tuyển sinh ĐH-CĐ phải được kiểm soát. Trong giai đoạn quá độ (từ 2014 đến 2016), Bộ sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án. Sau năm 2016, chủ trương tất cả các trường sẽ tự chủ tuyển sinh.

Thứ trưởng Ga cũng khẳng định Bộ đã lường trước để không gây “sốc” cho các thí sinh bởi các phương án tuyển sinh riêng của các trường được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của công luận. Đề án nào phù hợp mới áp dụng.

Yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường trục lợi trong tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, kỷ luật và nghiêm túc.

Các trường phải xây dựng đề án với các nội dung theo quy định. Đề án được xác nhận đủ điều kiện triển khai khi đảm bảo các nguyên tắc, thỏa mãn các yêu cầu tuyển sinh riêng, các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Chưa thể “buông” 3 chung

Trong phần thảo luận đề đề án tuyển sinh riêng, PGS. TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn nêu quan điểm nếu dừng toàn bộ “3 chung” trong năm 2014 hoặc sang năm 2015 thì rất khó. Ông phân tích: “Bản thân tôi thấy chưa có giải pháp thi nào tốt hơn “3 chung” hiện nay. Để phù hợp với xu thế hội nhập và Luật Giáo dục ĐH thì phải thực hiện giao tự chủ tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, nếu giao mà không có chuẩn bị, kiểm soát sẽ dễ dẫn đến quay về tuyển sinh như trước đây với nhiều băn khoăn, lo lắng.

Trước hết là khâu ra đề thi, khi các trường được tự chủ tuyển sinh, các giảng viên giỏi sẽ đi luyện thi. Những thầy không giỏi làm đề thi, khó bảo đảm có đề thi tốt. Ngay về phía học sinh cũng phải được chuẩn bị. Các nhà trường phổ thông thì thay đổi cách giảng dạy…” -

Với ĐH Quy Nhơn, TS Nguyễn Hồng Anh cho biết sẽ cố gắng chuẩn bị trong 2 năm nữa và phải đi học hỏi nhiều trường mới làm tốt công việc này.

Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân cũng cho biết trong 3 năm tới vẫn sẽ áp dụng và thực hiện theo hình thức “3 chung” vì khi chuyển sang tuyển sinh riêng phải có thời gian học tập kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ càng.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia sẻ, ĐHQG Hà Nội đã có có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua, trong đó có việc xây dựng một bộ công cụ là bài thi đánh giá năng lực, gọi là bài thi chuẩn hóa, trong đó có kiểm tra các năng lực cốt lõi, phẩm chất của người vào học bậc ĐH và sau ĐH.

TS Nguyễn Kim Sơn trao đổi bên lề hội nghị

Trong năm 2014, ĐHQG Hà Nội sẽ thí điểm ở tất cả các đơn vị tuyển sinh trực tiếp bằng hình thức tuyển sinh đánh giá năng lực. Mỗi đơn vị có hình thức tuyển sinh mới ít nhất cho một chuyên ngành đào tạo.

Sau khi hoàn thiện bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực; các quy định, chính sách tuyển sinh, văn bản hướng dẫn đi kèm; nhân lực cần thiết… đến năm 2015 áp dụng tuyển sinh rộng rãi theo hình thức mới.

Đổi mới quyết liệt nhưng phải trí tuệ, bình tĩnh

Kết thúc buổi làm việc sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phát biểu chân thành và chia sẻ nhiều điều tâm huyết với giáo dục ĐH.

Phó thủ tướng chỉ đạo, trong hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục ĐH, cần phải đi vào chuẩn, theo hướng quốc tế, hướng tới với tinh thần quyết liệt, nhanh nhất có thể “Chậm không có nghĩa là chắc chắn, khẩn trương chưa chắc là ẩu. Xách một xô nước bình thường không khó, nhưng xách để đuổi theo người khác thì khó hơn, nhưng chắc chắn phải làm được” - Phó thủ tướng ví von, khích lệ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ và bày tỏ nhiều tâm huyết với đổi mới giáo dục ĐH

Theo Phó thủ tướng, khó nhất là hiện nay xem hiện trạng ta đang ở đâu, mạnh gì, yếu gì. Ngay chỉ một chuyện nhỏ như tên của các trường ĐH bằng tiếng Anh cũng cần lưu ý, nghiêm khắc ngay từ đầu, bởi có những việc nhỏ nhưng nểu không sửa đổi thì hậu quả sẽ rất lớn.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục theo NQ TƯ 8 phải thực hiện quyết liệt, nhưng hết sức trí tuệ, bình tĩnh bởi một thay đổi nhỏ không phù hợp liên quan đến tương lai một đời người.

Khi không còn thi “3 chung”, một số trường ĐH sẽ bị đụng chạm rất lớn nhưng phải sẵn lòng chấp nhận . Phó thủ tướng mong muốn nhiều SV khi vào được ĐH thực sự được trang bị đầy đủ hành trang.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tiếp thu nghiêm túc chỉ đạo của Phó thủ tướng và cho biết sẽ cân nhắc, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, không gây xáo trộn xã hội.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/657275/tuyen-sinh-2014-ung-ho-tu-chu-nhung-van-bam-bo-