Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: giá trị vĩnh hằng của độc lập dân tộc

Với sứ mệnh lịch sử trọng đại, từ sau khi tìm ra con đường cứu nước, hiện thực hóa khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian trưng bày Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 90 năm xây dựng và phát triển – Ảnh: TRÍ DŨNG

Bản thảo Tuyên ngôn Độc lập được đánh máy bằng tiếng Việt, có nhiều chỗ bị xóa và viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn một người Mỹ được nghe bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi chính thức công bố và truyền đi khắp thế giới.

Hồ Chí Minh công bố Tuyên ngôn Độc lập

Ngày 29/8/1945, Người mời gặp L.A.Patti để trao đổi về kế hoạch hoạt động của Chính phủ trong những ngày trước mắt, trong đó có việc tổ chức ngày Lễ Độc lập. Nhận thấy L.A.Patti không thể tự đọc được văn bản tiếng Việt, Bác cho gọi một người trẻ tuổi vào dịch cho L.A.Patti nghe. Ngay từ đoạn đầu của Tuyên ngôn, L.A.Patti thấy có ý trích từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, nhưng “các danh từ đã được chuyển vị” khi nói về quyền dân tộc. Ông nhận xét rằng, trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã thay đổi.

Hồ Chí Minh giải thích: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”. Để phát huy trí tuệ tập thể, ngày 30/8/1945, Hồ Chí Minh mời một số cán bộ trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các vị bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe, Hồ Chí Minh không giấu nổi xúc động. Người nói, trong đời Người “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới được viết một bản Tuyên ngôn như vậy… Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu Nhân dân Việt Nam”. Ngày 31/8/1945, Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm, hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập.

Ngày 2/9/1945, Lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Sau khi Nguyễn Hữu Đang, thay mặt Ban Tổ chức công bố chương trình buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giới thiệu Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh. Cả quảng trường rung chuyển với những tiếng hô: “Độc lập! Độc lập!”. Sau những năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình vắng mặt của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Hồ Chí Minh về đến Hà Nội để ra mắt quốc dân. Đứng trên lễ đài, Người vẫy tay chào đồng bào, chiến sĩ và những người nước ngoài tới dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, rồi giơ hai tay lên cao làm hiệu cho mọi người im lặng. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những lời “điềm đạm, đầm ấm, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đầy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người”.

“Hỡi đồng bào cả nước”. Hồ Chí Minh ngừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Cả biển người đồng thanh đáp lại: “Rõ”. Từ thời điểm đó trở đi có một mối liên kết đặc biệt đã hình thành giữa lãnh tụ và quần chúng. Hàng vạn người chăm chú lắng nghe từng lời của Hồ Chí Minh. Người “cùng với cả biển người đã hòa làm một”. Hồ Chí Minh “đã thấu tới quần chúng”. Mở đầu bản Tuyên ngôn, Người nêu lên tư tưởng bất hủ của nhân loại về quyền tự nhiên của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp và khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Không dừng lại ở quyền con người, Hồ Chí Minh đã phát triển và nâng cao thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Phân tích những hành động của thực dân Pháp và phát xít Nhật trong thời gian Chiến tranh thế giới II, Hồ Chí Minh tố cáo đanh thép việc thực dân Pháp “đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật” và chỉ rõ sự thực “từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật”, dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Giữa lúc thực dân Pháp đang ráo riết đưa quân trở lại xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh khái quát lịch sử “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Hướng về nước Pháp, Hồ Chí Minh khảng khái tuyên bố chính sách đối ngoại của Việt Nam, chủ yếu là với nước Pháp: “Bởi thế cho nên, chúng tôi – Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới – đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Bản Tuyên ngôn cũng bày tỏ niềm tin, rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tehéran và San Francisco, “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Trên cơ sở những lập luận hết sức chặt chẽ trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới về quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam và quyết tâm giữ gìn nền tự độc lập của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm khắc những thế lực xâm lăng đang có mặt trên đất nước Việt Nam lúc đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là một áng văn lập quốc vĩ đại, bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, nêu cao ý chí đấu tranh của toàn dân để giữ vững quyền độc lập tự do, bảo vệ chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam; kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc và toàn nhân loại; kết tinh ý chí và nguyện vọng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành giá trị bất biến của dân tộc Việt Nam.

Đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được nghe thuyết minh viên giới thiệu ý nghĩa các tư liệu ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng tỉnh – Ảnh: TUYẾT MAI

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã hiện thực hóa khát vọng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi” của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc Lập, tuyên bố với thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam, sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ lâm thời trang nghiêm tuyên thệ trước Quốc kỳ và quốc dân đồng bào: “Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên xin thề rằng: Chúng tôi kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Khi độc lập chưa được bao lâu trên đất nước Việt Nam, đế quốc lại kéo đến xâm lăng. Ngoài quân Pháp và quân Nhật đang có mặt trên đất Việt Nam, gần 20 vạn quân Tưởng tràn vào Bắc vĩ tuyến 16, hơn một vạn quân Anh kéo vào phía Nam vĩ tuyến này. Chưa bao giờ trên đất nước Việt Nam lại có nhiều kẻ thù như vậy. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ kiên trì và khôn khéo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm, từng bước củng cố và nắm vững thực lực cách mạng, loại bỏ bớt kẻ thù, nỗ lực cứu vãn một nền hòa bình mong manh. Nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, Tổ quốc lâm nguy! Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh kêu gọi cả dân tộc đứng lên kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi cuối cùng nhất định về dân tộc ta!”.

Cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Khi Mỹ vào thay chân Pháp ở miền Nam, quyết chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt bằng một cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử nước Mỹ, với quy mô ngày càng lớn và cường độ ngày càng ác liệt, sử dụng hầu hết các chiến lược chiến tranh (trừ chiến tranh tổng lực), hầu hết vũ khí hiện đại (trừ vũ khí hạt nhân), với những khoản chi phí chiến tranh khổng lồ. Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại và mang tầm vóc quốc tế. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại đứng lên chiến đấu, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Cả dân tộc quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, từng bước đi tới mùa Xuân Đại thắng năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

78 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của độc lập dân tộc, Đảng ta luôn tiếp nối và phát triển sáng tạo chân lý độc lập, tự do. Đại hội XIII (2021) của Đảng khẳng định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân luôn “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,…là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn”. Với 78 Tết Độc lập, tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh đã đưa nhân dân Việt Nam từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; mở đường đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, từng bước giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

DƯƠNG MINH HUỆ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieu-diem/607875-tuyen-ngon-doc-lap-cua-chu-tich-ho-chi-minh-gia-tri-vinh-hang-cua-doc-lap-dan-toc.html